Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), có lẽ không bao giờ ngờ được rằng đó là chuyến bay cuối cùng của mình.
Chiếc máy bay Airbus A320 của Cham Wings, hãng hàng không tư nhân Syria có trụ sở ở Damascus, hạ cánh xuống sân bay quốc tế Baghdad, ngoại ô thủ đô của Iraq khoảng 0h30 ngày 3/1. Tên của Soleimani cùng các cận vệ không được đăng ký trong danh sách hành khách, một nhân viên của Cham Wings nói với Reuters.
Một nguồn tin an ninh Iraq biết về các phương án an ninh cho tướng Soleimani tiết lộ rằng tư lệnh đặc nhiệm Quds không sử dụng máy bay riêng vì lo ngại về an toàn.
Sau khi máy bay hạ cánh, Soleimani xuống đường băng và được Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMF), đón tiếp. Hai người bước vào một chiếc xe đang chờ sẵn, các cận vệ lên một chiếc xe khác rồi rời khỏi sân bay.
Ngay khi hai chiếc xe vừa ra khỏi sân bay, nhiều tên lửa phóng từ máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ liên tiếp lao xuống lúc 0h55, khiến Soleimani và Muhandis thiệt mạng ngay lập tức.
Chỉ vài phút sau khi vụ không kích diễn ra, lực lượng an ninh Iraq mở cuộc điều tra. Các đặc vụ An ninh Quốc gia Iraq lập tức phong tỏa sân bay, cấm hàng chục nhân viên an ninh tại đây rời đi, gồm cảnh sát, nhân viên kiểm tra hộ chiếu và các sĩ quan tình báo.
Các điều tra viên hỏi cung nhân viên làm ca đêm ở sân bay, kiểm tra các cuộc gọi và tin nhắn trong điện thoại của họ suốt nhiều tiếng. Một nhân viên an ninh sân bay Baghdad cho biết đã bị thẩm vấn suốt 24 tiếng về những người anh ta nói chuyện hoặc nhắn tin trước khi máy bay chở tướng Soleimani hạ cánh, trong đó có "những yêu cầu kỳ lạ liên quan đến chuyến bay từ Damascus", rồi sau đó tịch thu điện thoại.
"Họ hỏi tôi đến một triệu câu", người này cho biết.
An ninh Iraq nghi ngờ các chỉ điểm viên tại sân bay Damascus và Baghdad đã cấu kết với quân đội Mỹ để theo dõi và xác định vị trí của Soleimani. Họ có nhiều manh mối cho thấy một "mạng lưới gián điệp" bên trong sân bay Baghdad đã tiết lộ cho Mỹ thông tin an ninh nhạy cảm về chuyến bay và hành trình của tướng Soleimani.
Mạng lưới này gồm có ít nhất 4 nghi phạm, gồm hai nhân viên an ninh tại sân bay Baghdad và hai nhân viên hãng Cham Wings, một làm việc tại Damascus, Syria và một làm việc trên máy bay.
Ở Syria, bộ máy an ninh cũng vào cuộc điều tra và tình báo nước này nghi ngờ hai nhân viên hãng Cham Wings tham gia vụ hạ sát Soleimani với vai trò chỉ điểm viên, theo các quan chức an ninh Iraq. Tổng cục Tình báo Syria, cơ quan An ninh Quốc gia Iraq và phái đoàn Iraq tại Liên Hợp Quốc chưa bình luận các thông tin này.
Tại Baghdad, các đặc vụ An ninh Quốc gia tập trung điều tra hai nhân viên an ninh sân bay thuộc biên chế Cơ quan Bảo vệ Hạ tầng Iraq.
"Nhóm điều tra Baghdad phát hiện những tin mật báo đầu tiên về hành trình của Soleimani được cung cấp từ sân bay Damascus. Công việc của nhóm chỉ điểm tại sân bay Baghdad là xác nhận mục tiêu xuất hiện và cung cấp thông tin chi tiết về đoàn xe của tướng Soleimani", một quan chức an ninh Iraq cho biết.
Một quản lý của Cham Wings tại Damascus nói nhân viên của hãng bị cấm bình luận về vụ không kích và hoạt động điều tra. Phát ngôn viên Cục Hàng không Dân dụng Iraq nói cuộc điều tra "là hoạt động diễn ra sau những sự cố liên quan đến các quan chức cấp cao".
Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về người cung cấp thông tin hành trình của tướng Soleimani tại Syria và Iraq. Các quan chức Mỹ giấu tên nói nước này theo dõi chặt chẽ hoạt động của Soleimani nhiều ngày trước vụ không kích nhưng không cho biết cách xác định vị trí của tướng Iran.
Thiếu tướng Qassem Soleimani nhậm chức chỉ huy đặc nhiệm Quds của IRGC năm 1997, chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động bí mật ở nước ngoài. Soleimani là một trong các nhân vật chủ chốt tham gia chiến dịch của Iran nhằm đẩy lực lượng Mỹ khỏi Iraq.
Soleimani hoạt động bí mật trong nhiều năm để bồi dưỡng các chỉ huy dân quân Iraq nhằm mở rộng ảnh hưởng ở quốc gia láng giềng. Soleimani bị nghi trang bị vũ khí tinh vi cho dân quân Iraq và chỉ huy họ tấn công vào lực lượng Mỹ tại quốc gia Trung Đông này.
Vụ không kích hạ sát tướng Soleimani khiến Iran phẫn nộ và thề "báo thù tàn khốc". IRCG phóng 22 tên lửa nhằm vào lực lượng Mỹ đồn trú tại hai căn cứ al-Asad và Irbil tại Iraq ngày 8/1. Đòn tập kích tên lửa của Iran gây thiệt hại cho một số công trình tại hai căn cứ song không có thương vong về phía lực lượng Mỹ và Iraq.
Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei nói đòn tập kích bằng tên lửa là "cú tát vào mặt" Mỹ, nhấn mạnh rằng cuộc tấn công thành công. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ áp các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Iran và xem xét các biện pháp trả đũa khác, song Washington sẵn sàng tìm kiếm hòa bình với Tehran.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)