Theo thống kê mỗi năm, thế giới có 17,9 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, tỷ lệ tử vong trên 70%. Bệnh có thể xảy ra đột ngột ngay cả khi người bệnh đang ngủ, chơi hay làm việc và đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ người trẻ nhập viện tăng 5-10% mỗi năm. Nguyên nhân do lối sống thiếu vận động, ăn các thực phẩm nghèo dinh dưỡng, rượu bia và hút thuốc...
Ở nước ta, tỷ lệ người bị nhồi máu cơ tim tăng vọt trong những năm gần đây, trung bình năm sau cao hơn năm trước 15-20%, TS. BS Nguyễn Thị Minh Lý – Phó Giám đốc Trung Tâm Tim Mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết tại hội thảo "Hỏi để khỏe hơn" tổ chức ngày 18/12.
Theo bác sĩ Lý, nhồi máu cơ tim là một cấp cứu khẩn trong y khoa, nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong lên tới 50%.
Đối tượng dễ mắc nhồi máu cơ tim là người tăng huyết áp, đái tháo đường, từng bị tai biến mạch máu não hoặc có tiền căn nhồi máu cơ tim, tiền căn gia đình có người mắc bệnh động mạch vành sớm (nam trước 55 tuổi, nữ trước 65 tuổi). Một số bệnh lý khác như thận mạn, tiền sử sản giật, đái tháo đường thai kỳ, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động,...
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh nhồi máu cơ tim gồm những cơn đánh trống ngực, đau thắt ngực, cơn đau có thể lan lên cổ ra tay trái, kèm khó thở, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp, tay chân lạnh, ẩm, kích thích, lo lắng, hoảng sợ, ngất. Ở một số khác, người bệnh không trải qua các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc khó chịu vùng thượng vị.
Biến chứng nguy hiểm nhất của nhồi máu cơ tim là đột tử, ngoài ra là suy tim, tàn phế, giảm sức lao động...
Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử. Kỹ thuật tiên tiến đang được áp dụng hiện nay là đặt stent động mạch vành. Phương pháp này can thiệp mạch để tái tưới máu cho vùng cơ tim bị tổn thương. Thời gian gian vàng là 48 giờ đầu tiên, nhất là 12 giờ đầu.
Bác sĩ khuyến cáo, người có yếu tố nguy cơ hoặc khám sàng lọc cần chú ý đến các giá trị về xét nghiệm máu như mỡ máu, đường huyết có bị cao quá ngưỡng hay không; đánh giá dựa vào hình ảnh điện tâm đồ để xem các biến đổi về thiếu máu cơ tim hay không; một số trường hợp nghi ngờ thì cần đánh giá thêm qua các biện pháp gắng sức để xem các cơn đau thắt ngực, các triệu chứng về bệnh lý động mạch vành có ổn định.
Để phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim, người bệnh nên tuân thủ việc sử dụng thuốc và chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không nên ăn chay trường vì đây là chế độ ăn uống thiếu vi chất.
Người chưa bị nhồi máu cơ tim nhưng có yếu tố nguy cơ nên chủ động tầm soát, thăm khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán, phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Thùy Anh