Ngày 18/4, Ngày Sách Việt Nam lần thứ hai khai mạc trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP HCM. 16h cùng ngày, buổi tọa đàm "Phố Sách Sài Gòn - TP HCM. Tại sao không?" diễn ra ở khuôn khổ sự kiện. Chương trình thu hút nhiều nhà văn, nhà báo, bạn đọc, người sưu tầm, người bán sách cũ và các đại diện Nhà xuất bản, đơn vị phát hành hoạt động lâu năm trong ngành.
Mọi người cùng đề xuất ý kiến, góp ý và chia sẻ cảm nhận xoay quanh các vấn đề: tại sao nên có một phố sách ở TP HCM? Nội dung hoạt động của nơi này ra sao, quy mô như thế nào ? Đơn vị nào sẽ đứng ra tổ chức các hoạt động để đảm bảo cho mô hình vận hành hiệu quả, lâu dài?...
Sau khi xem xét trên nhiều phương diện văn hóa, kinh tế, du lịch, phần lớn đại biểu chung nhau ý kiến: Xây dựng một con đường sách cố định, mang nét riêng cho TP HCM là cần thiết.
Những năm qua, TP HCM có nhiều hoạt động ủng hộ văn hóa đọc, như: Đường Sách mỗi dịp xuân về, các hội sách cũ, sách giảm giá lớn nhỏ được tổ chức rải rác suốt năm, Hội sách TP HCM tổ chức định kỳ hai năm một lần... Trong lòng thành phố hiện tồn tại rất nhiều cửa hàng sách. Tuy vậy, các hoạt động trên vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu của bạn đọc về một môi trường văn hóa - giải trí gắn với thế giới sách. Trong khi đó, thành phố đang hình thành những con đường chuyên dành riêng cho thời trang, cây cảnh, cổ vật và nhiều mặt hàng kinh doanh...
Nhiều người như Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, ông La Văn Tiến - nhà sưu tập Truyện Kiều, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nhà báo Lê Văn Nghĩa... còn in đậm ký ức về một con đường sách Đặng Thị Nhu (góc đường Ký Con, Calmette, quận 1) chuyên mua bán, trao đổi sách của Sài Gòn xưa vào thập niên 1980. Con đường nhỏ dài khoảng 100 m từng là nơi lân la, gắn bó của nhiều người, mang phần hồn của phố thị Sài Gòn hơn 300 năm tuổi. Ở đó, văn hóa đọc được tôn vinh một cách tự nhiên, sống động và gần gũi. Ngày nay, nếu tái lập mô hình con đường này sẽ là một việc nhiều ý nghĩa trong giữ gìn và phát huy di sản tinh thần của thành phố.
"Tôi nghĩ nên gọi là đường sách vì chữ 'đường' gắn bó với người dân Sài Gòn hơn chữ phố. Nếu ý tưởng này thành hiện thực, đây sẽ là thương hiệu rất riêng cho địa chỉ văn hóa Sài Gòn", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu góp ý.
Ngồi ở hàng ghế khán giả, ông Lê Huỳnh Trí - người chủ của 10 tấn sách cũ tạo nên phong trào "cứu" sách chú ý dư luận vừa qua - chăm chú lắng nghe ý kiến tọa đàm. Cũng như mọi người, ông tán đồng hình thành đường sách cố định. Trong tình trạng đang chật vật tìm địa điểm bán sách, ông hy vọng biết đâu đường sách là nơi ông có thể tiếp tục với nghề.
Vấn đề đặt vị trí đường sách ở đâu được nhiều đại biểu bàn thảo sôi nổi. Trong số vài phương án lựa chọn như đường Trần Nhân Tôn (quận 5), đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận)..., con đường Nguyễn Văn Bình (quận 1) được đánh giá là "địa điểm vàng".
Bà Xuân Hạnh - giám đốc NXB Văn hóa - Văn Nghệ - bày tỏ, vài ngày trước khi tọa đàm diễn ra, bà phản đối dự án đường sách vì phần nào chưa hình dung ra được vị trí của nó. Nhưng đến khi khai mạc Ngày sách Việt Nam, được dạo quanh, tận mắt nhìn thấy độc giả nô nức trong các quầy hàng, các kios sách để tham quan, mua sắm... bà rất vui mừng vì không khí ở đây rất đẹp.
"Không gian đường Nguyễn Văn Bình nên thơ, yên tĩnh, rợp cây xanh và sáng sủa, các gian hàng được tổ chức ở đây mang đến một nét sống động khác hẳn với Ngày sách Việt Nam năm ngoái diễn ra ở Nhà văn hóa Thanh Niên. Vị trí đường Nguyễn Văn Bình sát bên Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện TP HCM, Nhà văn hóa Thanh Niên, nên dễ thu hút khách du lịch hay các bạn trẻ", bà Hạnh nói.
Ngày thường, khúc đường dài 100m này rất vắng lặng, chỉ để làm chỗ đậu xe. Không gian lãng mạn của nó gợi cho mọi người nhiều ý tưởng về hình thành một đường sách hoài cổ. Nơi đó, vừa có phiên chợ sách cũ, sách giảm giá, vừa có nơi giới thiệu các đầu sách mới, cũng là nơi bán tem cổ, có họa sĩ ngồi vẽ tranh chân dung, thỉnh thoảng cuối tuần có nghệ sĩ hát rong... "Nếu chúng ta có thể thực hiện đường sách ở đây, chúng ta chỉ mất đi một con đường vô hồn, đang chìm đắm trong sự âm thầm mà lại được thêm một con đường đi bộ xanh mát, dễ thương...", nhà văn Lê Văn Nghĩa góp ý.
Dù vậy, bên những ý kiến chọn đường Nguyễn Văn Bình, cũng có các ý kiến phản biện lại mô hình đường sách cố định. Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc dẫn chứng, TP HCM từng thực hiện chợ đêm Sài Gòn, từng có vài con đường ban đầu hình thành với đầy ắp ý tưởng về văn hóa, du lịch. Nhưng rốt cuộc, những dự án này dần "chết" đi. Theo ông Quốc: "Khi thực hiện không thể chỉ duy ý chí mà còn phải tính đến bài toán kinh tế cho người tham gia".
Ông Quốc đưa ra phương án: đường sách không nên hoạt động tập trung cố định ở một chỗ mà nên luân phiên, thay đổi ở nhiều địa điểm với thời gian được thống nhất giữa các đơn vị kinh doanh sách trên khắp thành phố. Theo ông, việc tạo không gian mở, linh động giúp các đơn vị làm sách dễ tham gia hơn, không buộc họ phải tách ra khỏi địa điểm hoạt động có sẵn.
Còn ông Hoàng Nhơn, đại diện Nhà sách Khai Tâm góp ý: "Nếu Hội Xuất bản Việt Nam đứng ra chủ trì dự án này, chúng tôi tha thiết mong có sự bình đẳng giữa đơn vị làm sách công cũng như tư. Ai có năng lực thì cho người đó tham gia đường sách chứ nếu chỉ chiếu cố cho đơn vị xuất bản nhà nước thì rất khó".
Ngồi ghế chủ tọa của chương trình là ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam và bà Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Trưởng phòng Báo chí, Xuất bản (Sở Thông Tin và Truyền Thông). Đại diện hai cơ quan chức năng, quản lý ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp. Sắp tới, Hội Xuất bản tiếp tục có những buổi gặp với giới làm sách để bàn thảo sâu nhằm hoàn chỉnh đề án đường sách, sau đó đề xuất lên Ủy Ban Nhân Dân TP HCM.
Thoại Hà