Những ngày qua, hiệu sách cũ mang tên Bách Hợp, nằm ở số 50, đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (TP HCM) tấp nập người đến tìm mua. Chị bán nước mía sát cửa hiệu cho biết, ngày thường, bờ vỉa hè hẹp tại đây chỉ loe hoe vài chiếc xe - chủ yếu của học sinh, sinh viên. "Nhưng mấy ngày qua, khi hay chỗ này sắp dẹp tiệm hẳn vì mặt bằng bị giải phóng, lượng người mua đến càng lúc càng đông đúc hơn, từ sáng đến chiều không ngớt", chị cho biết.
Cửa hiệu này có diện tích khoảng 30m2. Dù chủ hiệu cố gắng phân từng thể loại sách trên từng kệ, do lượng người mua khá đông và được tự do thoải mái chọn sách nên tình trạng lộn xộn là khó tránh khỏi. Hàng chục nghìn đầu sách nằm chen chúc nhau trên bốn dãy kệ dài, ngăn tiệm thành hai lối đi để người mua vào chọn sách. Sách khá đa dạng, gồm sách văn học, y học, kiến trúc, khoa học thường thức, từ điển các nước Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc... Trong số đó cũng không ít sách in trước năm 1975 được đóng bìa cẩn thận.
Nhích từng bước trong đám đông đang im lặng chăm chú chọn mua sách, anh Long, nhà ở Phú Nhuận cho biết, khi đọc thông tin trên các trang xã hội về tình trạng hiệu sách Bách Hợp có nguy cơ bị bán thanh lý theo kiểu cân ký ve chai, anh và một người bạn không ngại đường xa chạy xe hơn chục km tìm đến.
"Đi mua sách cũ cũng là một thú vui của tôi khi còn là sinh viên. Giờ đến đây, tôi như tìm được cảm giác cũ. Sách ở đây rất nhiều nhưng sắp xếp không theo trật tự nên phải chịu khó tìm kiếm mới có cuốn ưng ý. Ngoài ra, mục đích lớn nhất để tôi là ủng hộ ông chủ vì tôi rất thích những gì liên quan về sách. Tôi luôn tin những ai làm về sách là những người có tâm", anh Long cho biết.
Loay hoay tới lui và mướt mồ hôi giữa các kệ sách trong bầu không khí đặc quánh như phòng xông hơi, anh Trung Hiếu, 30 tuổi, mừng rỡ khi thấy cuốn Who's Who in America dày cộp. Anh Hiếu cho biết sẽ mua cuốn sách này tặng người chị học ngành ngôn ngữ. "Các cuốn sách ngoại văn này được in cẩn thận, nội dung hay, giờ có ra cửa hiệu sách lớn cũng khó tìm, mà tìm được thì giá chắc chắn cao hơn ở đây", anh Hiếu nói.
Ở cửa hiệu này có những cuốn truyện tranh các loại được bán với giá vài nghìn đồng. Nhưng cũng có những đầu sách có giá từ 100.000 - 200.000 đồng trở lên tùy theo nội dung, chất lượng sách.
Túc trực ở cửa ra vào, ông Lê Huỳnh Trí, 66 tuổi, chủ hiệu sách cũ nhanh nhẹn tính tiền từng chồng sách cho người mua đang xếp hàng đợi. Việc thanh toán tiền phải được thực hiện ở phía bên ngoài vì người đang tìm, chọn sách ở phía trong gian hàng chật kín không còn chỗ để chen chân. Ông Trí là người có thâm niên 30 năm mua bán, trao đổi sách cũ ở quận Thủ Đức. Từ đam mê đọc sách thời trẻ, ông dần đến với nghề này. Qua nhiều năm tích góp, số lượng sách ông sở hữu ở cửa hiệu tăng dần về số lượng với hàng chục nghìn ấn phẩm, ước tính trọng lượng đến 10 tấn.
"Hàng chục năm qua, hiệu sách cũ của tôi phải dời chỗ nhiều lần lắm. Đến lần dời về đường Đặng Văn Bi này cũng được gần 3 năm rồi. Tôi tưởng ổn định luôn, ai ngờ vừa nhận được thông báo cả đoạn đường này phải trả lại mặt bằng vì có một ngân hàng mua. Vừa nghe tin, tôi thấy rất lo lắng, sách ở đây quá nhiều nên việc di chuyển rất khó khăn. Tôi cũng già rồi, nếu không bán kịp sách cho mọi người thì chỉ còn cách giải nghệ, đem cân ký bán ve chai thôi", ông chủ tiệm chia sẻ.
Ông nói thêm nhờ được mọi người loan tin rộng rãi, mấy ngày qua, lượng sách trong cửa hiệu vơi đi được phần nào. Tuy vậy, số tồn đọng còn rất lớn. Mong mỏi của ông vẫn là tìm được mặt bằng mới, phù hợp để tiếp tục theo nghề mua bán, trao đổi sách cũ. Nhưng khả năng đó rất khó xảy ra vì ông chưa thể nào tìm được địa điểm, lại thêm tiền thuê, điện nước để duy trì hiệu sách giờ khá cao. Ông Trí bộc bạch, trước mắt chỉ biết tập trung sức lực để đón khách mua mỗi ngày nhằm thanh lý hết càng nhiều sách càng tốt.
* Video: Giới trẻ hào hứng đi mua sách cũ |
|
Thoại Hà
Video: Đức Huy