17h45 ngày 16/2, (tức ngày 28 Tết Âm lịch), Đường sách Ất Mùi, chủ đề “Bản sắc Việt - hào khí Việt Nam”, khai mạc tại đoạn đường Hàm Nghi (quận 1) đoạn giáp Tôn Đức Thắng, TP HCM. Lễ hội đường sách lần thứ năm của thành phố phục vụ đến ngày 23/2 (mùng 4 Tết âm lịch). Trong ảnh: bạn Châu (phải) và Khanh tranh thủ đến tìm sách hay về đọc trong những ngày xuân. "Hiện nay, bên cạnh sách nhảm nhí, sách hay có rất nhiều, thậm chí còn vượt trội, đa dạng về thể loại. Tôi thấy chương trình đường sách là một trong những cách giúp bạn đọc tìm đến sách hay chọn lọc", Châu chia sẻ. Năm nay, đường sách TP HCM có hơn 14.000 đầu sách phong phú, được chia làm bốn mảng chính: "Dấu ấn lịch sử Sài Gòn - TP HCM", "Tự hào thành phố mang tên Bác", "Thiêng liêng biển đảo", "Thành phố hội nhập". Ngoài ra, chương trình còn dành không gian cho sách điện tử, sách cho người khiếm thị. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó bí thư Thành ủy TP HCM (phải) - là một trong những vị khách đến sớm nhất để tham quan đường sách. Bà dạo qua các gian trưng bày, tìm hiểu về các chủ đề và dừng lại khá lâu ở quầy đọc sách của NXB Tổng hợp TP HCM vì tại đây có nhiều sách chuyên đề “Dấu ấn lịch sử Sài Gòn - TP HCM" mà bà quan tâm. "Phải nói là có quá nhiều sách hay, sách đáng để đọc. Vấn đề là thu xếp được thời gian để đọc", bà Thu Hà nói. Các nhân viên của gian hàng sách Fahasa tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm trước khi đường sách mở cửa cho độc giả vào tham quan, mua sắm. 5 năm qua, nhiều nhân viên nhà sách túc trực ở đường sách TP HCM ngày Tết để phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Đường sách xuân năm này có khu trao đổi, bán sách xưa, sách thời bao cấp với khoảng hơn 1.000 đầu sách. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng mở một "sàn giao dịch" với hình thức trao đổi sách giữa người đọc và nhà sản xuất, do công ty Nhã Nam phụ trách. Theo đó, độc giả có thể mang cuốn sách của mình đến đây để đổi một cuốn sách mình thích tùy theo giá trị tương ứng của hai cuốn sách cần đổi. Một poster quảng bá sách Sơn Nam nằm trong chủ đề sách tìm hiểu về Sài Gòn xưa. Ban tổ chức và các đơn vị tham gia như Sách Phương Nam, Phan Thị, Tiki mời một số văn nghệ sĩ, tác giả nổi tiếng đến giao lưu: NSƯT Thành Lộc, Anh Khang, Jun Phạm, đạo diễn Lê Hoàng, Hamlet Trương, Iris Cao, vợ chồng tác giả Phạm Công Luận và Đông Vy… Mô hình Nhà hát Lớn TP HCM được "xây" bằng các đầu sách. Đường sách năm nay lần đầu tiên tổ chức ở địa điểm mới. Ban tổ chức phục vụ wifi miễn phí để khách đến đây có thể kết nối Internet. Ngoài ra, còn có không gian để người tham quan thư giãn bên cốc cà phê hoặc cho trẻ nhỏ giải trí, vui chơi... Chủ đề sách khẳng định chủ quyền biển đảo nổi bật tại đường sách. Thất SơnNgười Sài Gòn chen chân đi Đường sách TP HCM muốn xây dựng hình ảnh 'Thành phố đọc sách'