Sự việc xảy ra năm 2009, sáu năm trước khi IAAF quyết định cấm điền kinh Nga tham dự các giải đấu quốc tế.
Hãng tin AP phát hiện tài liệu cho thấy IAAF gửi thư đến Valentin Balakhnichev, người khi đó là Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Nga để cảnh báo “sức khỏe và tính mạng của các CĐV đang bị đặt trong nguy hiểm nghiêm trọng”. IAAF nói rằng kết quả xét nghiệm máu của các VĐV Nga tại Giải vô địch thế giới năm đó ở Berlin (Đức) “gây sửng sốt”.
Balakhnichev bị cấm hoạt động vĩnh viễn tuần trước do vi phạm quy định phòng chống doping.
Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) đang cố tìm cách chứng minh sự đồng lõa của IAAF để che đậy việc doping được sử dụng rộng rãi trong môn này. Trước đó, phần đầu báo cáo của WADA đã khiến điền kinh Nga bị trừng phạt do dùng chất cấm dưới sự bảo hộ của chính phủ.
Ở Giải vô địch điền kinh thế giới 2009, Nga giành 13 huy chương. Tuy nhiên, trong lá thư gửi đi bởi Tổng thư ký IAAF Pierre Weiss, một số VĐV Nga bị mô tả là “có nồng độ chất kích thích trong máu ở hàng cao nhất trong lịch sử xét nghiệm của IAAF”.
Thời điểm Weiss gửi thư cho lãnh đạo điền kinh Nga diễn ra trước khi Hộ chiếu máu được ra mắt. Công cụ này bắt đầu được sử dụng từ năm 2014 để theo dõi kết quả xét nghiệm máu của VĐV trong thời gian dài nhằm phát hiện những kẻ gian lận.
Năm 2009, kết quả xét nghiệm được đề cập trong thư chưa đủ để chế tài các VĐV, thay vào đó, nhiệm vụ này phải do cơ quan phòng chống doping của mỗi quốc gia thực hiện.
Weiss đề xuất với Balakhnichev rằng động thái cứng rắn cần đưa ra với những VĐV có dấu hiệu dùng chất cấm. Ông viết rằng tình thế đang ở mức “nghiêm trọng” và cần hành động “ngay lập tức”. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, nhờ cuộc điều tra của WADA dựa trên tài liệu đăng trên một kênh truyền hình Đức, mọi chuyện mới lộ ra và IAAF mới trừng phạt Nga.
Ngoài ra, một số tài liệu trước Olympic 2012 còn cho thấy IAAF đã “kín đáo” chế tài một số VĐV ít tên tuổi của Nga. IAAF cấm các VĐV này dự giải quốc tế nhưng không công bố án phạt và thay vì cấm thi đấu bốn năm theo luật, họ chỉ cấm hai năm. Để đổi lại, các VĐV bị phạt phải “giữ mồm miệng”.
Tài liệu này cũng viết rằng các VĐV nổi tiếng không thể bị trừng phạt vì nếu họ vắng mặt tại các giải đấu, công chúng sẽ hoài nghi và mọi chuyện có thể bị vỡ lở.
Tuy nhiên, IAAF tuyên bố họ chưa bao giờ đưa ra đề nghị kiểu này còn Balakhnichev nói với AP rằng tổ chức quản lý điền kinh thế giới chưa bao giờ tiếp cận ông.
Di Khánh