Ngày 26/10, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang quyết định cho huyện Cai Lậy tạm ngưng tiêm Quinvaxem vì có nhiều trẻ nóng sốt, nổi ban khi sử dụng vắcxin 5 trong 1 này. Trước đó có 10 trẻ được cha mẹ đưa vào bệnh viện theo dõi vào đêm 25/10.
Đến chiều cùng ngày có thêm 22 trẻ bị nóng sốt sau tiêm ngừa Quinvaxem tại huyện Cái Bè, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phước, TP Mỹ Tho… Các bé được bệnh viện cho lau mát, uống thuốc hạ sốt và sức khỏe đã ổn định.
Ông Trần Thanh Thảo, quyền Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết ngoài huyện Cai Lậy thì các huyện, thành phố trong tỉnh vẫn đang tiếp tục tiêm vắcxin Quinvaxem cho trẻ. Cán bộ y tế và cha mẹ các bé thường xuyên liên lạc với nhau để theo dõi sát diễn biến của những trường hợp đã tiêm.
"Hàng nghìn liều đã được tiêm trong nhiều ngày qua và tỷ lệ trẻ bị sốt nhẹ chiếm tỷ lệ dưới 5%, nên phụ huynh không nên quá lo lắng. Nguyên nhân tạm ngưng tiêm vắcxin ở Cai Lậy vì ngành y tế thận trọng. Ngày 27/10, Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) vào Tiền Giang kiểm tra, nếu vắcxin không có vấn đề gì thì Cai Lậy sẽ tiếp tục tiêm ngừa trở lại", ông Thảo cho biết.
Gần nửa năm trước, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng khi có 5 trẻ tử vong sau tiêm, trong đó 4 ca được kết luận không do vắcxin. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo kết quả kiểm nghiệm các lô vắcxin Việt Nam gửi đến đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Vắcxin Quinvaxem được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ, dùng để phòng các bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Loại vắcxin này được sử dụng ở 34 quốc gia trên thế giới, tiêm cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.
Duy Khang - Ngọc Huỳnh