Theo ông Bình, quyết định này đã được Bộ Y tế cân nhắc rất kỹ lưỡng sau khi có những kết quả điều tra cẩn thận về chất lượng của vắcxin của các tổ chức trong và ngoài nước. Tất cả đều khẳng định vắcxin này an toàn.
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, mỗi tháng trên toàn quốc có 380.000 trẻ thuộc diện tiêm chủng. Vì vậy, thời gian tới, việc tiêm vắcxin Quinvaxem trở lại sẽ có khó khăn vì dồn số trẻ của 5 tháng chưa tiêm. Để chuẩn bị, Bộ Y tế đã nhập và chuẩn bị sẵn 1,5 triệu liều vắcxin Quinvaxem; Đồng thời, yêu cầu mỗi buổi tiêm không quá 50 trẻ, nơi nào đông có thể chức 2-3 buổi tiêm một tháng chứ không phải một như trước đây.
Vắcxin Quinvaxem được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ. Từ đó đến nay đã có 43 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Kết quả đánh giá độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, trong số này 27 ca tử vong không liên quan đến tiêm chủng. Có 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm vắcxin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại là không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắcxin. |
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo gửi Bộ Y tế về việc tiếp tục cho sử dụng vắcxin Quinvaxem trong Dự án Tiêm chủng mở rộng.
Đầu tháng 5, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi có 5 trẻ tử vong sau tiêm chủng, trong đó 4 ca được kết luận không do vắcxin. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo kết quả kiểm nghiệm các lô vắcxin Việt Nam gửi đến kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Vắcxin Quinvaxem ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi, được Tổ chức Y tế Thế giới tiền kiểm định về chất lượng. Khi nhập về Việt Nam, vắcxin này lại được Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế tái kiểm định. Vắcxin đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số hơn 400 triệu liều.
Nam Phương