Trước đó, theo thông báo của Bộ Y tế, các địa phương trên cả nước sẽ đồng loạt triển khai tiêm lại vắcxin Quinvaxem trong tháng 10/2013, sau hơn 5 tháng bị tạm ngừng sử dụng. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ lùi thời điểm tiêm lại vào tháng sau vì lịch tiêm chủng mở rộng của thành phố là vào ngày 5 hàng tháng nhưng đến nay Bộ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Thành phố đã sẵn sàng 68.000 liều để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng tới đây.
Theo phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nếu trẻ nào bị bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm tiếp chứ không phải tiêm lại từ mũi đầu. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần.
Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế cũng đã yêu cầu toàn bộ lượng vắcxin Quinvaxem được bảo quản trong thời gian tạm ngưng sử dụng phải qua kiểm định trước khi đưa ra tiêm, kịp thời tiêu hủy với các lô bảo quản không đúng quy định ảnh hưởng đến chất lượng. Ngoài số vắcxin còn lại đã được tái kiểm định (0,6 triệu liều), Việt Nam mới nhập thêm 1,5 triệu liều. Số này dự kiến sẽ đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 2 triệu liều trên cả nước sau thời gian tồn đọng.
Đầu tháng 5, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi có 5 trẻ tử vong sau tiêm chủng, trong đó 4 ca được kết luận không do vắcxin. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo kết quả kiểm nghiệm các lô vắcxin Việt Nam gửi đến kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Vắcxin Quinvaxem được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ, dùng để phòng các bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Nó đã được sử dụng ở 34 quốc gia trên thế giới, tiêm cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Vắcxin không tiêm cho trẻ dưới 6 tuần tuổi vì cơ thể còn miễn dịch từ mẹ. Ngoài ra, không tiêm cho trẻ trên 5 tuổi và người lớn vì sẽ tăng phản ứng sau tiêm.
Phương Trang