Sáng 5/10, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho biết từ đầu tháng này trong số hàng nghìn người dân đi xe máy từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê, có nhiều người là công dân tỉnh Yên Bái.
"Chúng tôi chưa thống kê được số lượng, nhưng đã đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh bố trí nơi ăn, ở cho hàng trăm người", ông Tuấn nói.
![Người dân từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê, dừng xe ở Thừa Thiên Huế để cảnh sát dẫn đoàn, ngày 4/10. Ảnh: Võ Thạnh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/10/05/d04c729c3892f1cca883-4496-1633405754.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BpdWEcYrOMKxUL1ivXcdbg)
Người dân từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê, dừng xe ở Thừa Thiên Huế để cảnh sát dẫn đoàn, ngày 4/10. Ảnh: Võ Thạnh
Người dân đi xe máy về đến Yên Bái sẽ được test nhanh để phân loại; những người tiêm hai mũi thì cách ly tập trung bảy ngày, tiêm một mũi là 14 ngày; trường hợp trong đoàn có ca dương tính thì cả đoàn cách ly tập trung 14 ngày.
"Chúng tôi buộc phải cách ly tập trung để đảm bảo an toàn tuyệt đối, không lây dịch ra cộng đồng vì các tỉnh phía Nam vẫn có nguy cơ cao", ông Tuấn nói.
Ngoài tổ chức đón dòng người đi xe máy, ông Tuấn cho biết thêm đã lên phương án đưa khoảng 1.300 người dân quê Yên Bái hiện ở TP HCM và các tỉnh phía Nam về bằng máy bay, dự kiến triển khai giữa tháng 10.
"Đi về phải có tổ chức, các tỉnh phía Nam lên phương án bàn giao, Yên Bái tổ chức đón thì ngoài này Hà Nội mới cho hạ cánh ở sân bay Nội Bài", ông Trần Huy Tuấn nói.
Phú Thọ hôm nay phát công văn hỏa tốc yêu cầu các huyện, thị xã chuẩn bị khu cách ly tập trung, sau khi xác định được đoàn xe khoảng 500 người đang từ phía Nam di chuyển về tỉnh này.
![Đoàn người lao động về đến Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/10/05/Nghe-An-don-cong-dan-2-1142-1633403470.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=x93-zNr0dIlbV5U3uDBYiw)
Một nhóm lao động đi xe máy về đến Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
Với những người dân có nguyện vọng và gia đình đủ điều kiện cách ly tại nhà, thì các huyện, thị xã lập danh sách để xem xét. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, cho biết huyện này chủ trương cách ly tập trung tất cả người từ miền Nam về để đảm bảo an toàn chống dịch.
"Các xã sẽ tập hợp danh sách người dân đi làm ở miền Nam,, trước mắt bố trí cách ly tập trung, nếu số lượng quá lớn mới chuyển sang phương án cách ly tại nhà", ông Nguyễn Duy Anh nói.
Lai Châu, ông Bùi Tiến Thanh, Giám đốc Sở Y tế, cho biết tỉnh này chưa nắm được số lượng cụ thể người dân đi xe máy về quê. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng đã sẵn sàng phương án đón, cách ly theo quy định.
Với người về từ vùng không có dịch, tỉnh yêu cầu tự theo dõi sức khỏe 14 ngày; về từ nơi đang giãn cách theo Chỉ thị 15 thì theo dõi sức khỏe tại nhà ba ngày (nếu đã tiêm đủ liều vaccine); người chưa tiêm đủ hai mũi thì cách ly tại nhà ba ngày, theo dõi sức khỏe 18 ngày.
Người về từ nơi giãn cách theo Chỉ thị 16, nơi phong tỏa sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày nếu đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh; người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều thì cách ly tập trung 14 ngày.
Ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hà Giang, cho biết đơn vị đang lên phương án đón lao động từ các tỉnh phía Nam về, trình lãnh đạo tỉnh xem xét; tinh thần là "sẽ phân loại và cách ly tập trung".
"Trước đây người dân về lẻ tẻ thì tỉnh giao cho các huyện trực tiếp đón, phụ trách việc cách ly, nhưng hiện tại qua nắm tình hình, có tới hàng nghìn người Hà Giang đang trên đường về nên chúng tôi phải có phương án chi tiết để không bị quá tải", ông Hùng nói.
Trong những ngày qua, hàng nghìn lao động từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã đổ về miền Tây khi các tỉnh, thành này nới lỏng giãn cách từ 1/10. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các địa phương cả nước làm việc tại 4 tỉnh, thành nói trên, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê.
Từ ngày 4/10 đến nay, các chốt kiểm soát ở miền Trung đã ghi nhận dòng người đi xe máy về các tỉnh phía Bắc. Trước đó, cuối tháng 7, dòng người từ một số địa phương phía Nam cũng chạy xe máy về các tỉnh miền Trung.