Tại Trạm Kiểm soát y tế dưới chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, đa số người đi xe máy ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra. Sau quãng đường dài, nhiều người vừa đến trạm đã tìm bóng cây nằm nghỉ. CSGT phát cơm, nước uống cho người dân. Một đội thiện nguyện ở thị trấn Lăng Cô hỗ trợ sữa chữa xe máy miễn phí cho những người có nhu cầu.
Thiếu tá Huỳnh Tuế, Đội trưởng CSGT huyện Phú Lộc, cho biết trong sáng 4/10, đơn vị tiếp nhận gần 3.000 người dân đi xe máy, chia thành nhiều đợt. CSGT đã bố trí xe dẫn đường cho đoàn người từ thị trấn Lăng Cô đến huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và bàn giao cho lực lượng chức năng tỉnh bạn.
Dừng xe máy bên lề quốc lộ 1A, đoạn qua xã Phong Thu, huyện Phong Điền, anh Giàng Mi Hồ, 32 tuổi, người H'Mông, cho hay đã chạy xe máy khoảng 1.000 km từ Bình Dương ra. Trong khi vợ ngủ thiếp bên cạnh, anh Hồ đôi mắt đỏ hoe vì bụi đường, tranh thủ thay nhớt xe, đổ xăng. Trên xe máy, vợ chồng anh treo một can xăng khoảng 1,5 lít cùng hành lý.
Ngày 2/10, vợ chồng anh Hồ và nhóm bạn 10 người H'Mông bắt đầu đi xe máy từ Bình Dương về quê ở Hà Giang. Trước lúc xuất phát, họ chuẩn bị xăng và ít mì tôm, nước ngọt. Cả nhóm chạy xe liên tục cả ngày và đêm, chỉ tranh thủ nghỉ ngơi, chợp mắt bên vệ đường khi quá mệt mỏi.
"Vợ chồng em vào Bình Dương làm cho một công ty đồ gỗ, tiền lương mỗi tháng hơn 7 triệu đồng, hai người được 14 triệu. Hơn 4 tháng qua không có việc làm nên cả nhóm quyết định về quê", anh Hồ nói.
Khi đoàn xe do CSGT dẫn đường chạy qua, nhóm của anh Hồ chạy theo nhập đoàn. Quãng đường từ Thừa Thiên Huế về đến Hà Giang còn gần 1.000 km.
Gần 16h ngày 4/10, hơn 400 người từ các tỉnh phía Nam chạy xe máy nối đuôi nhau dài vài trăm mét về tới chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ tỉnh Nghệ An ở cầu Bến Thủy 2, huyện Hưng Nguyên. Họ được hướng dẫn rẽ vào khu vực nghỉ chân do tỉnh bố trí, là đoạn đường nửa km từ cầu Bến Thủy 2 tới cầu Bến Thủy 1. Nhiều người mệt mỏi, ngồi bệt ra lề đường.
Phàng A Phử, 24 tuổi, trú tỉnh Sơn La, mở chai nước rót cho con gái 9 tháng tuổi đang được mẹ địu sau lưng. 3 ngày theo bố mẹ vượt cả nghìn cây số, bé gái khá ngoan nằm yên trên lưng mẹ. "Quãng đường về tới nhà còn rất dài, chỉ mong con đủ sức khỏe vượt qua bởi không còn lựa chọn nào khác", anh Phử nói.
Vợ chồng anh Phử vào Bình Dương làm ở công ty gỗ và giày da từ vài năm trước, tổng lương 14 triệu đồng mỗi tháng. Mỗi tháng, anh gửi hơn 2 triệu đồng về quê cho ông bà chăm sóc hai con đầu 6 và 3 tuổi, còn lại gom góp trả nợ và chi tiêu hàng ngày. Dịch ập tới khiến họ thất nghiệp hơn 3 tháng qua.
Anh Phử nói muốn bám trụ lại Bình Dương để kiếm việc làm, trang trải cuộc sống, nhưng nhiều ngày qua không còn dư được đồng nào. "Nếu kéo dài thêm thì gia đình sẽ đói ăn, tiền mua sữa cho con cũng không có, không thể vay mượn bạn bè bởi rất nhiêu người cùng cảnh ngộ như mình. Về quê nếu có khó khăn cũng còn người thân để nương tựa", anh Phử giải thích lý do cùng nhiều đồng hương chạy xe máy về quê.
Sau khoảng một giờ nghỉ ngơi, lực lượng chức năng dùng loa thông báo cho đoàn người tiếp tục chỉnh trang đồ đạc, khởi động xe máy để dẫn đường đưa đến Thanh Hóa. Hơn 60 người Nghệ An được đưa tới khu cách ly tập trung.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết, dự kiến hôm nay còn thêm một số đoàn từ miền Nam về tới chốt kiểm soát cầu Bến Thủy 2. Với những người ngoại tỉnh, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ dẫn đường đi hết địa phận tỉnh để đảm bảo an toàn.
Trong những ngày qua, hàng nghìn lao động từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã đổ về miền Tây khi các tỉnh, thành này nới lỏng giãn cách từ 1/10. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các địa phương cả nước làm việc tại 4 tỉnh, thành nói trên, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê.
Trước áp lực người sống ở các tỉnh Đông Nam Bộ tự về quê rất đông, nhiều tỉnh miền Tây đang quá tải về khả năng cách ly tập trung, nguy cơ lây lan dịch.
Trước đó, cuối tháng 7, dòng người từ các tỉnh phía Nam cũng chạy xe máy về các tỉnh miền Trung.
Võ Thạnh - Nguyễn Hải