Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, kết quả chỉ ra loạt sai phạm trong thẩm định quy hoạch, cấp phép các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...).
Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc lập, trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chậm, chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng. Chưa kể, khả năng dự báo về chỉ tiêu đất năng lượng chưa phù hợp với nhu cầu phát triển điện mặt trời tại tỉnh này.
Dẫn chứng việc này, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu, một số dự án điện mặt trời sử dụng đất thuộc vùng quy hoạch tưới của dự án thuỷ lợi, song chưa xác định đầu tư kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
UBND tỉnh Ninh Thuận bổ sung quy hoạch điện lực và quyết định chủ trương đầu tư một số dự án điện mặt trời không đồng bộ với khả năng truyền tải điện, dẫn đến nhiều nhà máy năng lượng tái tạo giảm phát gây thiệt hại cho nhà đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư dự án.
Ninh Thuận là một trong hai "điểm nóng" về quá tải lưới truyền điện khi các dự án điện mặt trời ồ ạt được cấp phép, đầu tư tại đây vào năm 2018 - 2019. Ở thời điểm đó, sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo khi hệ thống truyền tải không theo kịp buộc nhiều nhà máy phải giảm phát trên 50% công suất. Đến giờ này, sau nhiều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hệ thống truyền tải điện từ phía ngành điện, hầu hết nhà máy điện mặt trời khu vực này đều giải toả tối đa công suất phát lên lưới.
Bên cạnh các dự án điện mặt trời, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện 7 dự án điện gió tại Ninh Thuận đã được cấp quyết định đầu tư nhưng chưa được Bộ Công Thương thẩm định, phê quyệt quy hoạch phương án đấu nối...
Ngoài ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi lòng sông)... cũng chưa được UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện đúng quy định, trình tự thủ tục về lập, phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản...
Tại một số dự án, việc đưa đất vào sử dụng chậm do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, diện tích đất được giao cũng như hạ tầng đấu nối cấp nước, điện không đồng bộ. Số dự án khác do năng lực nhà đầu tư hạn chế, có dự án vi phạm chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quản lý đất rừng, như dự án Khu vui chơi giải trí và trồng rừng phòng hộ ven biển; dự án chồng lấn quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến titan và diện tích đất rừng như dự án Mũi Dinh Ecopark, vi phạm trật tự xây dựng... khiến tiến độ thực hiện chậm, hiệu quả đầu tư thấp.
Khắc phục những sai phạm trong cấp phép các dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận, Thanh tra Chính phủ đề nghị tỉnh này rà soát, có phương án thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ tại các dự án đã cấp quyết định chủ trương nhưng chưa xây dựng. Với số dự án đang trình thẩm định bổ sung quy định, chỉ đề nghị Bộ Công Thương xem xét thẩm định với dự án nào có khả năng giải toả công suất 100%.
Tỉnh cũng cần rà soát, xử lý theo quy định với 7 dự án điện gió đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đấu nối.
Với các dự án điện mặt trời có sử dụng đất nông nghiệp thuộc vùng tưới hiện hữu và thuộc quy hoạch vùng tưới của các dự án công trình thuỷ lợi, tỉnh Ninh Thuận cần rà soát, lấy ý kiến chủ đầu tư công trình thuỷ lợi để không ảnh hưởng tới hiệu quả của công trình thuỷ lợi.
Trách nhiệm của những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh thuộc về UBND tỉnh, các Sở: Kế hoạch & Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Tài chính... Ngoài kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thu hồi về ngân sách Nhà nước số tiền gần 188,2 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận có liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm được nêu trong kết luận thanh tra.
Anh Minh