Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, quốc lộ 26 qua tỉnh Đăk Lăk ngập sâu 0,8 m gây chia cách giao thông từ chiều 10/11, hiện nước đã rút. Đoạn tuyến đèo Phượng Hoàng trên quốc lộ 26 cũng xuất hiện nhiều vị trí sạt lở.
Trên quốc lộ 1D (Bình Định) đoạn km 17 có 3 điểm sạt lở taluy dương với nhiều khối đá lớn bị sạt xuống, án ngữ lòng đường. Tương tự, quốc lộ 1 đoạn qua Đèo Cả (nối Phú Yên - Khánh Hòa) bị đất đá, cây rừng sạt lở tràn lấp mặt đường ở km 1362.
Đường Trường Sơn Đông khu vực Quảng Ngãi cũng bị sạt lở gây ách tắc giao thông, đơn vị quản lý đường đang san gạt đất đá, dự kiến thông xe trong sáng 11/11.
Đường Trường Sơn Đông qua khu vực Kon Tum bị sụt ta luy dương tại km192 gây ách tắc giao thông; tuyến tránh sông Cầu (Phú Yên) cũng sạt lở taluy dương, đất đá tràn lấp mặt đường với khối lượng sụt khoảng 3.000 m3.
Các đơn vị quản lý đường đang tăng cường máy móc, nhân lực tổ chức phân luồng giao thông, đẩy nhanh công tác hót dọn đất đá để thông tuyến.
Đường sắt Bắc Nam bị ngập nước khiến phải phong tỏa đoạn qua khu vực Bình Định - Phú Yên từ chiều 10/11, nhiều đoàn tàu khách nằm chờ tại các ga dọc tuyến. Đến 5h sáng 11/11, đường sắt qua khu vực này thông tuyến trở lại, các đoàn tàu đi chậm qua đoạn nước ngập.
Trên chiều từ Nam ra Bắc, tàu SE8 khởi hành ngày 10/11 phải dừng tại ga Diêu Trì (Bình Định), khởi hành lại lúc 8h ngày 11/11, chậm khoảng 15 giờ; các tàu SE6, SE22, SE4 cũng bị chậm nhiều giờ.
Chiều từ Bắc vào Nam, nhiều tàu khởi hành lại sáng 11/11 tại ga Diêu Trì sau thời gian dài dừng chờ bão; trong đó tàu SE1 chậm 13 giờ, tàu SE3 chậm khoảng 12 giờ, tàu SE21 chậm khoảng 14 giờ, tàu SE7 chậm khoảng 3,5 giờ.
Ngoài ra, ngành đường sắt hủy chuyến tàu SE22 xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 11/11 và tàu SE21 xuất phát tại ga Đà Nẵng cùng ngày.