Tại Khánh Hòa, mưa lớn liên tục trong hai ngày, nước từ thượng nguồn chảy xiết cùng hồ Hoa Sơn xả lũ với hơn 280 m3/giây đã gây ngập khu dân cư xã Vạn Long, Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, có nơi sâu cả mét. Nước đục ngầu tràn vào chợ Tu Bông. Nhiều tiểu thương phải kê hàng hóa lên cao, tránh hư hỏng.
"58 người dân của xã Vạn Bình kẹt lại, bị cô lập, được chính quyền đưa khỏi khu vực ngập", ông Lê Hồng Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho hay.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, bão Etau đã làm ba người bị thương; 5 nhà dân bị sập; 293 nhà tốc mái, hư hỏng; tàu cá chìm ở Nha Trang... Ngoài ra, giao thông quốc lộ 27 bị chia cắt do sạt lở.
Tương tự, tại Phú Yên, sau bão lượng mưa tại huyện Tây Hòa hơn 300 mm, làm nước sông Bánh Lái lên nhanh, gây ngập một số vùng thấp trũng của xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông, Hòa Thịnh.
Nước lũ cao một mét khiến việc đi lại khó khăn, cuộc sống người dân bị đảo lộn. "300 hộ bị cô lập. Trong đó, 50 hộ ở thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông phải sơ tán đến nơi an toàn", ông Mai Ne, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết.
Tình trạng tương tự diễn ra ở các xã An Định, An Cư, An Dân, An Thạch... của huyện Tuy An. Hơn 200 hộ được sơ tán đến các trường học, nhà văn hóa. Tại huyện Đồng Xuân, hơn 2.100 người ở các xã cũng được di dời đến nơi cao ráo.
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND Phú Yên, cho hay sau bão Etau tỉnh phải đối mặt với nguy cơ lũ diện rộng, đã sơ tán 7.000 người trong điểm ngập. Tỉnh yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, phải túc trực theo dõi tình hình mưa lũ, sạt lở đất để kịp thời ứng phó.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, bão Etau làm một người bị thương; 8 căn nhà hư hỏng, tốc mái; một căn bị sập.
Đến chiều 10/11, một số khu vực ở Đăk Lăk vẫn mưa nặng hạt. Trận mưa kéo dài gây ngập bốn buôn tại xã Đăk Liêng, huyện Lăk, có nơi sâu hơn một mét. Chính quyền đang dùng canô đưa hơn 400 hộ ở xã ra khỏi khu vực ngập lụt.
"Nước lên rất cao, chúng tôi phải huy động toàn bộ lực lượng đưa người dân đến nơi an toàn", ông Nguyễn Xuân Hoản, quyền Chủ tịch UBND huyện Lăk, nói. Ngoài ra, nước lũ còn gây ngập hơn 350 ha cây trồng tại các xã Yang Tao, Đăk Liêng, Đăk Nuê.
Mưa kéo dài cùng với nước thượng nguồn đổ về cuồn cuộn cũng gây ngập hàng trăm mét tuyến đường dẫn vào thôn Ea Hăn, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, khiến khoảng 100 hộ dân bị cô lập. Chính quyền huyện phải tổ chức chốt chặn bên ngoài, không cho người dân đi vào, đồng thời có phương án hỗ trợ những hộ dân đang bị nước bao vây.
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết nước từ các sông suối dâng nhanh, tràn vào nhiều phòng học ở các trường đóng trên địa bàn huyện. Ngoài việc chỉ đạo một số trường nghỉ học, UBND huyện liên tục thông báo trên loa phát thanh cảnh báo cho người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất.
Tại huyện M'Đrăk, cơ quan chức năng cùng với lực lượng quân đội, công an đang dồn sức để di dời 100 hộ dân khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Păk Thượng (xã Cư San) ra khỏi khu vực nguy hiểm.
10h sáng nay, bão Etau suy yếu thành thấp nhiệt đới khi vào các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất 60 km/h. Tâm áp thấp sau đó lên Tây Nguyên với sức gió dưới 40 km/h, gây mưa lớn trên diện rộng.
Trần Hoá - Xuân Ngọc