Dạy con thế nào khi trường học vẫn còn nặng bệnh thành tích luôn là vấn đề khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, trăn trở. Trước khi nói đến vai trò của nhà trường, thầy cô, tôi cho rằng chúng ta nên đề cập đến vai trò của gia đình, cha mẹ.
Tôi cũng là một giáo viên, cũng là một người mẹ có hai con đang học tiểu học, đứng ở góc độ là một phụ huynh, tôi muốn chia sẻ những vấn đề sau:
Tôi không cho con học bài bản trước khi vào lớp Một mà chỉ cho con tiếp cận với chữ cái và số đơn giản mà thôi. Tôi cũng không cho con rèn chữ trước mà chỉ mua các quyển truyện vừa hình vừa chữ, nếu thích con cứ đồ theo, còn không tôi cũng không ép.
Tôi không chạy xin cho con học trái tuyến vì quan niệm của tôi, cấp tiểu học chưa cần thiết. Trường đúng tuyến thường gần nhà và sẽ tránh được nhiều rủi ro khi di chuyển trên đường. Hơn nữa, sáng con có thể ngủ được nhiều hơn mà không sợ trễ giờ đến trường.
Ngoài giờ chính khóa và bán trú, tối về tôi không cho con đi học thêm. Chữ con chưa đẹp, tôi mua tập về cho cháu tự rèn, tất nhiên là kèm theo điều kiện nếu không tiến bộ thì tôi sẽ cho con đi đến lớp rèn chữ. Tình hình vì thế mà khá hơn.
Cuối tuần, nếu cô có giao bài thì giải quyết ngay. Thường thì con cũng tự làm, xong mới đem cho mẹ kiểm tra.
Thứ bảy, chủ nhật nếu rảnh tôi sẽ đưa con đi tham quan trong thành phố, những nơi mà có thể cho các con những bài học về lịch sử, về kiến thức thực tế như: Biển, chiến khu rừng Sác, dinh Thống Nhất, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Hai Bà Trưng, Suối Tiên, Đầm Sen, Thảo Cầm Viên... Đến những nơi đó, tùy địa điểm, tôi dạy con những kĩ năng, những bài học về các anh hùng dân tộc...
Do có khoảng 20 ngày nghỉ hè nên tôi đưa con về quê nội ở Quảng Nam, cho con tắm sông, tắm nước giếng, ra đồng, lên rẫy... để con cảm nhận cuộc sống xung quanh còn nhiều người khó khăn ra sao, dạy cho con biết giúp đỡ người nghèo, dạy con tiết kiệm...
Là Phật tử, tôi cho con đi chùa, quy y, kể con nghe những câu chuyện về luật nhân quả...
Tôi cho con đi học vẽ, học đàn, học Anh văn nếu cháu muốn chứ tôi không ép.
Với sự cố gắng đó (vì tôi là người của công việc chứ không phải là người rảnh rỗi), đồng nghiệp, bạn bè ai cũng khen hai con tôi ngoan, hiểu biết nhiều mặc dù còn nhỏ.
Kì thi vừa rồi, cháu có đề tả người thân. Tôi dạy cháu hãy quan sát kĩ ba, mẹ về ngoại hình để tả, hãy nói những kỉ niệm, tình cảm của con với ba mẹ, hãy nói những ước mơ của ba mẹ đối với con... và cháu đã viết được một bài văn dài, tả đúng ba, mẹ và còn giàu cảm xúc nữa.
Tuy nhiên, khi thi là bài tả cây bàng. Thực sự bài này cô đọc cho chép. Cháu nói muốn thấy cây bàng để tự viết nhưng gấp quá, không đi tìm được nơi có trồng bàng. Tôi đành khuyên con thôi thì học bài của cô đi và hẹn dịp khác mẹ sẽ cho con tận mắt thấy cây bàng. Vậy, nếu cô không hướng dẫn liệu con có làm được bài tả cây bàng không?
Với vai trò là một giáo viên, tôi cho rằng chúng ta nên làm những điều sau:
Cách đây khoảng 8 năm về trước, tôi cật lực phản đối việc học sinh chép văn mẫu. Bài nào thuộc lòng, cao nhất tôi cho điểm 5 nếu bài sạch, đẹp, bố cục rõ ràng. Tôi đã từng rất không đồng tình khi một chị đồng nghiệp bảo cho điểm cao vì học sinh chịu khó học bài là tốt rồi. Vậy mà ngày nay, tôi đành bất lực và chấp nhận một số học sinh học thuộc và chép văn mẫu.
Nguyên nhân là gì? Theo tôi, học sinh ngày nay lười tư duy, lười luyện viết, lười đọc sách (truyện tranh, game thì không hề), thiếu kiến thức thực tế, kiến thức xã hội... mà muốn điểm cao thì chỉ còn cách đó.
Mọi người tin không khi thời gian 90 phút để làm bài văn, cô đã cho đề trước, đã hướng dẫn lập dàn ý mà học sinh chỉ viết được đúng 6 chữ không? Mọi người có tin là học sinh bỏ bài văn mà đề chỉ là kể một kỷ niệm mà em nhớ nhất. Đơn giản vì cô không cho dàn ý là không làm được, thậm chí học sinh trả lời: "Con có kỷ niệm gì đâu cô". Vậy lỗi này do giáo viên hay chương trình học?
Tôi luôn khuyến khích học sinh hãy sáng tạo trên kiến thức cơ bản, hãy tả về người mà các em yêu quý chứ đừng tả một hoa hậu quý bà, hãy đọc sách để trau dồi kỹ năng viết, hãy đọc báo mỗi ngày để biết thế giới vận động ra sao... Nói nhiều lắm, dạy nhiều lắm nhưng được mấy học sinh làm theo.
Tôi cũng có dạy kèm nhưng không có nghĩa là cho học sinh biết đề. Khoảng thời gian đó để tôi lấp đầy "lỗ hổng" kiến thức, dạy thêm kỹ năng sống, dạy thêm những bài học đạo lý, khơi dậy tâm hồn yêu thích bộ môn... mà các em chưa có hoặc có mà chưa biết phát huy. Và học sinh nào học không tốt hơn lên do lười thì tôi không dạy nữa.
Nhưng buồn lắm khi có một số phụ huynh quan niệm rằng đi học thêm để được biết đề, để cô cho điểm. Buồn lắm khi phụ huynh cứ đưa con vào trường rồi không quan tâm nữa. Buồn lắm khi phụ huynh vì yêu con mà đôi lúc không còn phân biệt đúng sai.
Buồn lắm khi phụ huynh "ảo tưởng sức mạnh của con" mà tạo áp lực khiến học sinh buông xuôi. Buồn lắm khi phụ huynh nhận xét những lời khó nghe với những giáo viên tâm huyết, nghiêm khắc...
Tôi ước sao câu ca dao "trọng thầy mới được làm thầy" vẫn còn nguyên giá trị, còn không thì giáo viên thời nay nhiều nỗi buồn, nhiều áp lực mà áp lực ấy đến từ lãnh đạo ngành, ban giám hiệu, phụ huynh, học sinh...
Sẽ có những ý kiến không đồng quan điểm, sẽ có những ý kiến cho rằng tôi dư hơi nhưng đây chính là nỗi lòng của tôi - một người mẹ, một người giáo viên mà đã khóc mỗi đêm, cả tuần vì học sinh thi rớt, vì học sinh làm bài tốt được điểm cao, thậm chí tôi đã buồn đến ăn không ngon khi học sinh không chăm học.
>> Xem thêm: SGK với những đề bài ngớ ngẩn khiến học sinh lẫn phụ huynh ngã ngửa
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.