Tuần này, con gái tôi (hiện là học sinh lớp 2 hệ trung học cơ sở trong một trường học ở Nhật - tương đương với lớp 8 tại Việt Nam) đem về đơn đăng ký tham quan, thực tập ở các doanh nghiệp.
Nhà trường hướng dẫn thêm với phụ huynh, lắng nghe và nói chuyện nghiêm túc với học sinh về chuyện tương lai trọng đại này. Tất nhiên không nhất thiết là phải chọn ngay một ngành từ lúc này, nhưng ít ra là đưa đến cho trẻ ý niệm về tương lai, về một công việc mà trẻ mong muốn được làm.
Trường của con tôi đã đưa ra 6 nhóm nghề cho các cháu lựa chọn, cũng là để quý vị phụ huynh tham khảo, bao gồm giáo dục, nghiên cứu, du lịch, bán hàng - dịch vụ, công việc văn phòng, lĩnh vực công.
Đợt thực tập này, các cháu đã lựa chọn một lĩnh vực nghề mà mình thích làm, và dựa trên 6 nhóm nghề đó thì học sinh lựa chọn theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ con gái tôi chọn theo thứ tự sau:
Thứ nhất: Công việc văn phòng
Thứ hai: Nghiên cứu
Thứ ba: Du lịch
Thứ tư: Giáo dục
Thứ năm: Bán hàng - dịch vụ
Cuối cùng mới là lĩnh vực công
Vì có khả năng là không có đủ các doanh nghiệp đồng ý nhận học sinh đến tham quan, thực tập theo nhu cầu của học sinh, nên nhà trường căn cứ theo nguyện vọng của các em để phân bổ, và các em khi được phân bổ theo nguyện vọng cũng sẽ rất vui.
Như vậy, có sự linh động cho cả các em và nhà trường, và có lẽ đây cũng là một cách nhà trường dạy cho các em khả năng thích nghi chăng? Bởi vì không thể lúc nào chọn nghề cũng đúng như mơ ước, nhưng nếu có được tâm lý để ưu tiên lựa chọn thì các em sẽ không bị thụ động. Và một khi đã có một ý niệm nào đó dù chưa phải là mạnh mẽ và “quyết liệt” đi chăng nữa, nhưng sẽ tạo ra động lực cho các em trong việc học hành.
Các em sẽ chỉ có một ngày tham quan, thực tập ở các doanh nghiệp thôi nhưng sẽ thu được những cảm nhận, biết được công việc cụ thể mà mình muốn làm ra làm sao. Sẽ có một hình dung khá đầy đủ về việc đó, qua đó sẽ biết được thực sự mình có phù hợp hay không, có thực sự sẽ theo đuổi công việc đó được không...
Là một phụ huynh, tôi vừa ngỡ ngàng, vừa cảm thấy thú vị với hoạt động này của nhà trường. Hướng nghiệp đã được đặt ra sớm với các em, chứ không phải chờ đến những năm cuối cấp phổ thông trung học.
Đặt ra hướng nghiệp lúc này còn là cách để các em và gia đình cân nhắc khi chuẩn bị cho kỳ thi vào phổ thông trung học sau một năm rưỡi nữa. Nhà trường đã đóng vai trò người hướng dẫn, khơi gợi suy nghĩ về tương lai cho các em.
Tất nhiên, thời gian sẽ còn khiến các em có sự thay đổi, nhưng chí ít là nhà trường đã nhắc nhở, hướng các em tới một việc trọng đại trong đời: Làm gì? Sẽ là ai? Sẽ làm gì đế đạt mục tiêu mong muốn?
Ít nhất các em sẽ hình thành và có một ý niệm rõ rệt nào đó về tương lai của mình mà công việc làm là một vấn đề hết sức quan trọng.
>> Xem thêm: Trẻ khuyết tật hòa nhập với giáo dục tại Nhật