Trước khi sinh con, tôi hay đến nhà chị bạn người Nhật chơi. Con chị ấy sinh trước con tôi một năm. Tuy con còn nhỏ nhưng chị đã chuẩn bị rất nhiều sách, truyện tranh, đồ chơi để mẹ và bé cùng xem với nhau.
Chị ấy xem việc cho con “chơi" với sách và mẹ đọc sách cùng con là việc rất đỗi bình thường. Sách không còn là câu chuyện phương pháp giáo dục, là cần thiết nữa mà là điều đương nhiên phải có cho cuộc sống của trẻ, của gia đình. Dù không phải mục đích nuôi con thế nào để thành thần đồng hay giỏi giang nhưng sách là thứ không thể thiếu.
Sau đó, tôi tìm hiểu thì thấy có sách cho trẻ ở 0 tuổi, trẻ từ 6 tháng trở lên, từ một đến 3 tuổi, rồi từ 3 đến 5 tuổi. Đại loại phân loại sách theo lứa tuổi và có cả nội dung theo giới tính.
Nếu là bé trai thì có sách vẽ xe hơi, tàu điện, côn trùng, bé gái thì có sách hoa lá, những câu chuyện hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó, học sinh mẫu giáo, học sinh tiểu học và các lớp cao hơn cũng có những loại sách thích hợp tương ứng.
Sách dành cho trẻ có khi là những trang bằng vải khâu lại, hay là những bìa cứng dày để trẻ không xé được. Sách có thể là những trang có kèm vật dụng, hình nổi, âm thanh - thứ mà trẻ có thể cảm nhận được bằng tay, bằng mắt, bằng tai...
Sách là những câu chuyện tóm lược ngắn, chữ thật to cho các bé, hay sự khác biệt chút ít về nội dung trong những dạng sách dành cho bé trai, bé gái. Sách truyện, sách khoa học, sách dạy làm trò chơi, sách dạy nấu ăn rồi cơ man nào là các kiểu truyện tranh... nhiều vô kể
Sau khi sinh con, tôi cũng cho các bé nhà tôi tiếp xúc với sách từ rất sớm. Tôi cho con chơi với sách như một thứ đồ chơi, khi chưa biết cầm thì con nằm, mẹ giở sách cho con xem và miệng tù tì giải thích làm trò cho con từ sách. Mà quả thật, sách cho trẻ em một tuổi bản thân tôi xem còn thấy thú vị, vì đúng nghĩa như là trẻ có thể chơi với sách.
Mỗi loại sách, kiểu in ấn đều có thể giúp trẻ khám phá bao điều hữu ích như tiếng còi xe ôtô thì sao, tiếng gà gáy thế nào? Các màu khác nhau ra sao? Những vật thể khác nhau cho cảm nhận thế nào?
Tất nhiên là đã thường xuyên đọc sách với con, chúng ta cũng nên cùng con đi thư viện, cho con chơi sách ở thư viện và nhìn các bạn khác chơi sách ra sao, đi mua sách cho con ở hiệu sách...
Các khu dân cư của Nhật đều có nhiều thư viện cộng đồng, mỗi lần mượn có thể tới 20 cuốn sách và trong thời hạn 2 hay 3 tuần. Ngoài ra tại đây, sách thường đa dạng về kiểu cách, phong phú về nội dung.
Đến thư viện cộng đồng, các bạn sẽ thấy trường hợp mẹ và con cùng đi mượn sách rất phổ biến, đọc sách ngày thường hay ngày nghỉ thì cả gia đình sẽ đến cùng nhau. Cha mẹ và con cái đều tìm sách phù hợp cho mình, phụ huynh sẽ đọc cho con nếu bé chưa biết đọc hay cùng hướng dẫn con thưởng thức sách.
Ở câu lạc bộ cộng đồng cũng thường tổ chức những buổi đọc sách, kể chuyện chung cho các bà mẹ và bé đến nghe cùng mọi người.
Khi đi mẫu giáo, nhà trẻ, ở đó cũng có tủ sách cho mỗi lớp để cô trò cùng đọc trong giờ học, hoặc giờ ra chơi các bé có thể đọc. Trong giờ học, sẽ có những buổi cô giáo đọc truyện tranh cho học trò.
Ở Nhật có hình thức kamishibai - là kiểu sách dưới dạng tranh to. Câu chuyện được vẽ lại thông qua những hình ảnh phóng to, cô đưa cho học trò xem tranh, hội thoại trong bức tranh đó sẽ được viết ở phía sau. Khi cô đưa tranh ra cho học trò thấy thì cô sẽ đọc và thể hiện nội dung bức vẽ đó cho trò nghe. Hình thức này cũng có thể thực hiện ở nhà, các con của tôi rất thích kiểu này.
Dù thời đại kỹ thuật số, nhưng số lượng đầu sách cho trẻ em, thiếu niên vẫn luôn luôn được xuất bản. Thư viện ở trường luôn được bổ sung thêm sách do các hội phụ huynh, dân phố quyên góp mua thêm sách cho trẻ, thư viện cộng đồng lại luôn có những chuyến đi đến các trường cho các em mượn sách.
Hàng tháng, hàng quý hay trước khi nghỉ hè, nghỉ đông, nghỉ xuân, thư viện trường luôn cập nhập sách đáng chú ý mới xuất bản để cho mỗi học sinh tham khảo, tìm mua hay mượn đọc.
Nhà trường cũng luôn có những hoạt động khuyến khích học sinh đọc sách như kể về cuốn sách mới đọc và có khi biến thành bài tập về nhà để các em phải đọc sách.
Tất nhiên yêu thích sách hay không còn tùy cá tính mỗi người, như các con tôi, con gái thì thích đọc sách, yêu sách. Trong khi con trai thi thoảng mới đọc. Nhưng theo tôi, đừng mặc nhiên trẻ em sinh ra đã thích đọc sách hay hô hào các em đọc bằng những khẩu hiệu.
Đọc sách cũng phải là một thứ được định hướng và có những phương cách tạo niềm say mê. Sách phải là thứ có nhiều, dễ có được và thuận tiện. Khi trẻ còn nhỏ, phải có những cách nào đó để trẻ thấy được giá trị của việc đọc sách như cha mẹ khích lệ, hỏi han con về những cuốn sách yêu thích và chính cha mẹ cũng nên thi thoảng cầm sách đọc, làm gương cho con. Ở trường, thầy cô giáo cũng cần có những cách thức để cho trẻ em được khích lệ đọc sách.
Hôm vừa rồi tôi có dịp đi tham quan trường học của Anh, đến thư viện trường, tôi thấy một lớp đang học trong thư viện. Tôi nghe cô giáo giải thích, cứ 2 tuần một lần, các em sẽ có một tiết học ở trong thư viện về nội dung nào đó liên quan đến sách. Vậy là có một hình thức hầu như bắt buộc để từ đó tạo cho học sinh quan tâm đến sách.
>> Xem thêm: Tủ sách miễn phí của bà lão nghèo
Chia sẻ bài viết của bạn về việc đọc sách tại đây