Ở đoạn bên hông cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) - khu vực thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn hiện mặt đường đã được cải tạo. Tuy nhiên sau khi đường được nâng lên, nhiều nhà dân và hẻm xung quanh thấp trũng xuống. Nhiều đoạn chưa hoàn thiện nhưng cao hơn 20-30 cm so với nhà dân. Một số căn thấp hơn nửa mét so với đường, chủ nhà phải xây các bậc tam cấp hoặc dùng tấm thép kê trước cửa thuận tiện dắt xe ra vào.

Nhà bà Nguyễn Thị Bích Phượng thấp hơn nửa mét khi đường Nguyễn Hữu Cảnh nâng cao, ngày 1/12. Ảnh: Gia Minh.
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, 48 tuổi, nói nhiều năm nay sống trong ngập lụt nên khi dự án triển khai, bà cùng nhiều hộ dân vui mừng, hy vọng thoát ngập. Tuy nhiên sau khi đường được nâng lên, tình hình không mấy sáng sủa vì nhà bà thấp hơn chừng nửa mét, nguy cơ ngập vẫn hiển hiện vào mùa mưa. Để thuận tiện đi lại, bà Phượng làm lối đi nhỏ, dốc gần 45 độ trước hiên nhà và sắp tới phải nâng nền.
Ở gần đó, bà Bùi Thị Sai, 68 tuổi, cũng cho biết khoảng 2 tháng nay, cuộc sống gia đình xáo trộn do vỉa hè nâng cao. Hai năm trước, gia đình bà phải bỏ ra gần 100 triệu đồng nâng nền cao thêm khoảng nửa mét tránh ngập. Tuy nhiên, hiện nền nhà lại thấp gần nửa mét khi đường phía trước được sửa. "Sau khi dự án hoàn thành, nếu vẫn ngập tôi sẽ bán nhà vì không thể nâng nền cao thêm", bà Sai nói.
Công trình sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1 và Bình Thạnh) vốn đầu tư hơn 470 tỷ đồng nhằm giải quyết ngập cho toàn tuyến dài 3,2 km, từ nút giao đường Tôn Đức Thắng tới cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Việc sửa chữa triển khai tháng 10 năm ngoài, dự kiến xong vào tháng 4/2021. Năm 2007 thành phố đã chi 140 tỷ đồng chống ngập cho tuyến đường nhưng không hiệu quả. Nhiều năm qua đường Nguyễn Hữu Cảnh ngày càng lún sâu và trở thành "rốn ngập" của thành phố.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh đi qua quận 1 và Bình Thạnh. Đồ họa: Thanh Huyền.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư) cho biết, sau khi dự án sửa chữa hoàn thành, có hơn 60 căn nhà thấp hơn đường Nguyễn Hữu Cảnh 15-20 cm, gần 70 căn thấp hơn 30-50 cm. Hầu hết các căn nhà trũng thấp nằm phía quận Bình Thạnh, đoạn từ cầu Thủ Thiêm tới cầu Sài Gòn, dài chừng 2 km, khi được nâng lên 50 cm đến 1,2 m so với trước.
Ông Phan Văn Ảnh, Phó ban quản lý dự án đường bộ 1 (thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông), cho biết để chống ngập cho các hộ dân, đoạn đường khi nâng cấp sẽ được thay hệ thống thoát nước. Các đường ống thoát nước mới sẽ làm song song cống hiện hữu, giúp thu nước trên mặt đường qua các hố ga dọc vỉa hè. Tại các giao lộ, chủ đầu tư bổ sung các đường rãnh để thu nước từ hẻm vào hệ thống thoát nước mới.

Cơn mưa chiều 6/8 khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn trước tòa nhà The Manor ngập gần một mét. Ảnh: Hữu Khoa.
"Dự án hoàn thành sẽ giúp việc thoát nước tốt hơn so với hiện nay, góp phần giảm ngập toàn khu vực ", ông Ảnh nói và cho biết các nhà thấp hơn đường từ 30 cm trở lên sẽ được bố trí vỉa hè rộng từ 40 cm đến 1,2 m phía trước để xây bậc tam cấp, làm đường dốc cho người dân đi lại dễ dàng.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh có tổng vốn 420 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2002 - là tuyến huyết mạch kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm TP HCM. Tuyến đường sau thời gian khai thác đã lún và ngập nặng nhiều năm nay. Chính quyền TP HCM hiện thuê máy bơm để chống ngập cho tuyến đường.
Gia Minh