Kết quả thanh tra cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh của Thanh tra TP HCM công bố hôm nay ghi nhận, đây là dự án có nhiều bê bối nhất thành phố, với kỷ lục về những sai phạm của tất cả các bên liên quan công trình.
Theo báo cáo thanh tra, cầu Văn Thánh 2 (nằm trên tuyến Nguyễn Hữu Cảnh) được đưa vào sử dụng đầu năm 2002, đến tháng 8/2004 đã phát hiện hư hỏng một số đầu dầm, thân mố, tường cánh. Các mố cầu bị chuyển vị ngang hướng về phía lòng sông.
Đến tháng 4/2006, các quan trắc chuyển dịch ngang do Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng thực hiện cho thấy trục dầm ở một một số mố cầu có sự chuyển dịch. Đường đắp dẫn lên cầu lún ở mức 7-14 mm một tháng. Đoạn đắp cao hai đầu cầu đều thấp hơn cao độ thiết kế từ 40 đến 70 mm, toàn bộ kết cấu tường chân đã bị nứt và xô nghiêng.
Cầu Văn Thánh 2 có chi phí sửa chữa lên tới 141 tỷ đồng. Ảnh: Kiên Cường |
Người Sài Gòn hẳn không còn quá xa lạ với hình ảnh sụp hố giữa cầu, mặt cầu bị lún, ổ gà khắp nơi...
Đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng đứng đầu bảng trong số những địa chỉ thường xuyên ngập lụt ở TP HCM. Nguyên nhân bị ngập chủ yếu do lún.
Một kết quả đo đạc của Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng cùng Cục giám định và quản lý công trình giao thông cho thấy, năm 2004, độ lún lớn nhất của đường là 57 cm, một năm sau lún đến 70-80 cm. Trung bình mỗi tháng, mặt đường lún khoảng 3,3-8 mm. Vì vậy nền mặt đường thấp hơn độ cao cần thiết chống triều cường, nên thường xuyên bị nước dâng ngập.
Một hạng mục khác là nút giao đường Nguyễn Hữu Cảnh với đầu cầu Sài Gòn cũng "te tua" không kém: tường bao che dưới cầu dẫn bị rạn nứt, bong bật...
Nếu làm tốt từ ban đầu thì đường Nguyễn Hữu Cảnh không còn cảnh luôn ngập lụt mỗi khi triều cường. Ảnh: Kiên Cường |
Nằm trên cửa ngõ huyết mạch từ trung tâm TP HCM ra vào cầu Sài Gòn, đường Nguyễn Hữu Cảnh khởi công vào tháng 5/1997 được người dân kỳ vọng là một cầu nối giao thông quan trọng, giải tỏa ách tắc. Tuy nhiên trên thực tế, chất lượng đường quá kém, nhanh chóng xuống cấp khiến người Sài Gòn thất vọng.
Theo nhiều chuyên gia, dù yếu tố khách quan là khu vực này có nền đất yếu dễ lún, nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự tắc trách của các cơ quan chức năng, biến con đường nỗi thất vọng lớn nhất của ngành giao thông TP HCM.
"Độ lún thực tế của nền đường nhiều hơn, kéo dài hơn so với dự kiến của thiết kế, tuy nhiên các quan trắc kỹ thuật với mục đích kiểm tra và điều chỉnh quy trình thi công nhằm đạt được mục tiêu của công tác xử lý nền đã không được thực hiện", Thanh tra thành phố đánh giá.
Đối với cầu Văn Thánh 2 thì hiện tượng chuyển dịch ngang của mố cầu được xác định là do thi công xử lý nền, đắp các đường dẫn lên cầu không đúng quy trình thiết kế được duyệt. Cụ thể như bỏ qua công đoạn đắp đất gia tải chờ lún, thi công nhanh để kịp tiến độ...
Trước những sai phạm nghiêm trọng trên, để tránh đùn đẩy, làm ngơ cho qua chuyện, Thanh tra TP HCM nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan.
Cụ thể, chủ đầu tư đường Nguyễn Hữu Cảnh là Công ty thanh niên xung phong phải chịu trách nhiệm về sự cố lún đường, đường dẫn lên cầu và cầu Văn Thánh 2 vì không tuân thủ quy định quản lý chất lượng xây dựng.
Đơn vị tư vấn thiết kế - Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía nam; phía tư vấn giám sát là Phân viện khoa học công nghệ Giao thông vận tải, đều thuộc Bộ Giao thông, phải chịu trách nhiệm chính đối với sự cố lún nứt đường dẫn lên cầu Văn Thánh 2 cũng như làm nứt nhà dân.
Nhà thầu thi công - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 - Bộ Giao thông vận tải cũng tương tự như các đơn vị tư vấn nhưng ở mức nhẹ hơn: chỉ liên đới trách nhiệm. Ngoài ra nhà thầu này đương nhiên có liên quan đến việc chất lượng kết cấu bê tông tường chắn thấp hơn yêu cầu của thiết kế.
Ở góc độ quản lý, Sở Giao thông góp phần vào sự chưa nghiêm túc kịp thời chỉ đạo biện pháp thi công công trình theo ý kiến của UBND TP HCM.
Dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh ban đầu được gọi tên là đường Lê Thánh Tôn nối dài, do Công ty Thanh niên xung phong (thuộc Lực lượng thanh niên xung phong TP HCM) làm chủ đầu tư. Độ dài suốt tuyến gần 3,7 km. Điểm đầu tuyến tại giao lộ đường Tôn Đức Thắng, quận 1, kết thúc tại khu vực chân cầu Sài Gòn với 3 cây cầu trên tuyến: Thị Nghè 2, Văn Thánh 2 và vượt nút giao thông đầu cầu Sài Gòn. Tổng vốn đầu tư xây dựng ban đầu dự án cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh là 278 tỷ đồng, sau được điều chỉnh thành hơn 419 tỷ đồng. Được đưa vào sử dụng đầu năm 2002, ngày 30/7/2007 UBND TP HCM chi hơn 141 tỷ đồng sửa chữa cho riêng cầu Văn Thánh và đường dẫn 2 đầu cầu. Chi phí bồi thường cho 57 hộ dân bị nứt nhà khoảng gần 4 tỷ đồng. Liên quan đến trách nhiệm đường Nguyễn Hữu Cảnh bị xuống cấp trầm trọng, nhiều cá nhân đã phải hầu tòa, thậm chí ngồi tù trong thời gian qua. |
Kiên Cường