"Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp" hay quan niệm "sợ mang tiếng", không gắp miếng thức ăn cuối cùng trên bàn mà khiến đồ ăn dư thừa, xét đến cùng cũng nằm ở thể diện, sĩ diện nơi lòng người mà thôi.
Khi còn làm quản lý, tôi đã phải có những cuộc họp với nhân viên khi chứng kiến các bạn khi gọi đồ thì ê hề mà lại không ăn hết, bỏ phí thức ăn. Trong khi các bạn đi làm ở khu công nghiệp đa phần đều xuất thân từ các miền quê - nơi ông bà, cha mẹ, thậm chí bản thân mình đã từng trồng ra cây lúa, cọng khoai, cái bắp...
Việc lãng phí đồ ăn, vô hình trung chúng ta không chỉ thiếu tiết kiệm, mà còn là thiếu trân trọng với thành quả lao động của người thân mình đó ư? Không ai trả lời được câu hỏi đó; bản thân tôi đã trăn trở về điều này rất nhiều.
>> 'Người Việt ăn chung đĩa, gắp cho nhau là thiếu văn minh'
Ăn uống, diện trang phục hay đi lại đều thuộc phạm trù văn hoá vật chất - là những thứ người ngoài dễ nhận ra nhất khi nhìn vào một người. Phải chăng vì chúng đều gắn với thể diện, sĩ diện bản thân mà chúng ta luôn cần đề cao, làm quá vì sợ "mang tiếng" với người khác?
Sao ta không quan niệm, chỉ cần vừa đủ mà trang trọng, "quý hồ tinh, bất quý hồ đa"? Sự ăn uống tiết độ, vừa đủ cũng là thể hiện cho tu dưỡng và văn minh của một người, một cộng đồng vậy.
Tôi đọc tài liệu về nếp sinh hoạt của người Đức, thấy họ rất đề cao sự tiết kiệm. Họ cực lực phản đối sự lãng phí đồ ăn; trong khi nền khoa học, trình độ phát triển của họ ở bậc nào thì tôitin, ai cũng thấy được.
Trong khi ra nước ngoài, lại có cả những biển hiệu khuyên răn, thậm chí có cả hình thức cảnh cáo khi lãng phí đồ ăn ghi bằng tiếng Việt. Những điều tương phản vậy là lời nhắc nhở lớn nhất cho mỗi chúng ta về sự phù hợp, tránh lãng phí, là nền tảng vững bền cho thế hệ mai sau.
Ngọc Hải
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.