Bà Lành (45 tuổi, TP HCM) bị chó nhà nuôi cắn khi cho ăn, vết thương sâu khoảng 0,5 cm, chảy máu nhiều. Sợ vaccine dại gây mất trí nhớ, bà quyết định không tiêm, nghe lời hàng xóm mách đến thầy lang gần nhà bó lá, cầm máu.
Sau 4 ngày, vết thương se rồi chuyển thâm. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp trong công ty khuyên nhủ, giải thích các mũi tiêm đều an toàn nên bà thay đổi ý định.
Còn ông Hòa (50 tuổi, Cà Mau) bị chó cắn vào bắp đùi trái khi đi dạo, bị rách quần dài và chịu vết thương có 3 dấu răng nông. Người đàn ông này chỉ sát khuẩn bằng thuốc đỏ và không tiêm vaccine vì nghe đồn chích ngừa có thể gây lú lẫn. Con gái không khuyên được bố, nhờ bác sĩ quen tư vấn, đến ngày thứ 5 mới thuyết phục được ông Hòa dùng vaccine.
Bà Lành và ông Hòa là hai trong số hàng chục ca chần chừ, chậm tiêm vaccine dại được Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận trong một tháng qua. Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, cho biết việc chậm trễ tiêm chủng như hai trường hợp nói trên có thể gây nguy hiểm tính mạng, mũi tiêm không phát huy hiệu quả bảo vệ tối ưu.
Virus dại có tốc độ lan truyền rất nhanh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng nhân số lượng lên nhiều lần và bắt đầu di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng lên não với tốc độ từ 12-24 mm mỗi ngày. Khi chậm tiêm chủng, vaccine kém hoặc không có hiệu quả ngăn mầm bệnh lây nhiễm toàn bộ cơ thể, từ đó nguy cơ phát bệnh dại và tử vong cao hơn nhiều lần.
Người bị chó, mèo cắn, cào cần chủng ngừa dại ngay, nhất là vết thương nặng hoặc ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, đầu các chi, bộ phận sinh dục, tốt nhất là trong ngày đầu tiên.
Theo bác sĩ Chính, tâm lý sợ vaccine độc, gây lú lẫn, ảnh hưởng hệ thần kinh... đã tồn tại trong cộng đồng nhiều năm nay. Nguyên nhân là vaccine thế hệ cũ có độ tinh khiết không cao, dẫn tới có nhiều tác dụng phụ, khiến người dân ngại chủng ngừa, có ấn tượng xấu.
Việt Nam dừng sử dụng vaccine thế hệ cũ từ năm 2008. Nước ta đã chuyển hoàn toàn sang dùng loại nhập khẩu như Verorab (Pháp), Abhayrab (Ấn Độ)... với độ tinh khiết cao, an toàn và ít các phản ứng bất lợi. Vaccine được sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, được kiểm soát chặt chẽ giúp tăng độ tinh khiết, đảm bảo tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Nhà sản xuất không sử dụng chất bảo quản thimerosal (thủy ngân) nên giảm các tác dụng phụ tại chỗ gồm sưng, đau, sốt...
Vaccine đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do dại. Nghiên cứu năm 2000 trên 171 bệnh nhân tại Trung Quốc với vết thương độ III bị cắn bởi động vật nhiễm bệnh, sử dụng vaccine Verorab vào ngày 0, 3, 7, 14, 28 (Essen-IM) và huyết thanh dại từ ngựa (ERIG, 40 IU/mL) vào ngày 0. Kết quả, vaccine cho mức kháng thể bảo vệ đạt được nhanh và bền vững sau 7 ngày, 100% bệnh nhân sống sót dù vết thương nặng.
Vaccine và huyết thanh dại được chứng minh là dung nạp tốt và không quan sát thấy tác dụng phụ nghiêm trọng. Sau khi chủng ngừa, 14 bệnh nhân (8,2%) có phản ứng tại chỗ tại nơi tiêm huyết thanh. 12 bệnh nhân (7%) gặp phản ứng toàn thân như ngứa, phát ban và chóng mặt. Nghiên cứu này cho thấy mũi tiêm an toàn ở những bệnh nhân được điều trị theo khuyến nghị của WHO về phơi nhiễm bệnh dại nghiêm trọng.
Do đó, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân nên cập nhật, tìm hiểu thông tin đúng để xóa bỏ nỗi sợ và yên tâm chủng ngừa. Những người có nguy cơ cao như làm nghề chăm sóc thú cưng, nuôi chó mèo... nên tiêm dự phòng sớm.
Nếu để phơi nhiễm mới chủng ngừa thì lịch tiêm sẽ phức tạp hơn. Người dân sẽ phải hoàn thành phác đồ 5 mũi trong 28 ngày, vào các ngày 0-3-7-14-28. Vết thương hở và nặng vùng đầu mặt cổ, hoặc động vật không theo dõi được, cần dùng thêm huyết thanh để tạo lượng kháng thể nhanh nhất.
"Những người có nguy cơ cao nên tiêm vaccine dại trước phơi nhiễm, chỉ cần ba mũi dự phòng, hoàn toàn linh động về mặt thời gian. Khi bị chó, mèo cắn, dù vết thương nặng, mọi người chỉ cần tiêm 2 mũi và không cần dùng thêm huyết thanh", bác sĩ Chính khuyến cáo.
Mộc Thảo
Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC có đầy đủ hai loại vaccine dại thế hệ mới là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), được sản xuất theo công nghệ mới, không chứa các tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người tiêm, không chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú. |