Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết đã ghi nhận gần 4.500 lượt tiêm vaccine dại trong 3 ngày 26, 27 và 28 Tết, trong đó hơn 50% tiêm dự phòng, tăng 30% so với 2024và gần 4.000 lượt tiêm dại trong hai ngày 1-2/2 (tức mùng 4-5 Tết Nguyên đán). Nhiều người bị vật nuôi cắn, cào khi đi chơi, đi chúc tết, khiến tỷ lệ tiêm vaccine dại tăng cao.
Theo bác sĩ Chính, hầu hết cơ sở tiêm chủng tạm nghỉ vào ngày Tết, khiến người dân tranh thủ những ngày đầu tiên mở cửa trung tâm để đến tiêm. Việc này cho thấy người dân hiểu hơn về bệnh dại nên chủ động tiêm phòng trước và ngay sau khi bị chó mèo cắn, cào.
Như ông Lê Văn Dũng, 57 tuổi ở Vĩnh Long, tiêm vaccine phòng dại ngay sáng mùng 4, sau khi bị cắn trong lúc ngăn chó và mèo trong nhà đánh nhau. Con mèo cắn vào đầu ngón tay ông Dũng gây chảy máu trong đêm 28/1 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán). Dù mèo đã tiêm phòng, khỏe mạnh, ông Dũng vẫn tiêm phòng dại cho bản thân để đảm bảo an toàn. Trước đó, ông đã tiêm vaccine dại 5 lần với hơn 15 mũi do bị chó hàng xóm cắn, cào.
Còn bà Bùi Thị Mai (71 tuổi), đến VNVC Tam Kỳ, Quảng Nam tiêm vaccine dại. Lý do, bà bị chó cắn vào ống chân khi đi chúc Tết ở nhà người thân, vết thương chảy máu và xây xát nhiều. Bà Mai không xử trí vết thương đúng cách, đắp muối và tỏi lên vết thương gây bỏng vùng da.
Tại trung tâm tiêm chủng, bà được chỉ định tiêm thêm vaccine và huyết thanh uốn ván, hướng dẫn sơ cứu, vệ sinh và băng bó vết thương. Bác sĩ khuyến cáo bà không thực hiện các phương pháp dân gian để sơ cứu, tránh tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm.
Bệnh dại do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật bị bệnh sang người qua vết cắn, cào, liếm... Thời gian ủ bệnh thường từ 2-8 tuần, có thể ngắn hơn hoặc kéo dài trên một năm, tùy mức độ tổn thương, vị trí vết thương và tải lượng virus xâm nhập cơ thể. Các vết thương nặng, gần vùng thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ có thời gian ủ bệnh ngắn.
Bệnh chưa có thuốc đặc trị, tỷ lệ tử vong gần 100% khi khởi phát triệu chứng. Các triệu chứng ban đầu gồm sốt, đau, cảm giác ngứa, châm chích hoặc nóng rát bất thường tại vết thương. Khi virus di chuyển đến hệ thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống tiến triển và gây tử vong.
Biện pháp dự phòng bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine. Người chưa từng tiêm vaccine cần 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 8 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm huyết thanh kháng dại, huyết thanh và vaccine uốn ván dựa trên tình trạng vết thương. Số mũi vaccine dại phù hợp được chỉ định căn cứ vào tình trạng vết thương và việc theo dõi được con vật trong 10 ngày.
Người dân có thể chủ động tiêm dự phòng vaccine trước phơi nhiễm với ba mũi vào các ngày 0-3-21 nhằm linh động về thời gian. Khi bị chó, mèo cắn, cào, dù vết thương nặng, mọi người chỉ tiêm thêm 2 mũi và không cần dùng huyết thanh.
Ngoài ra, người dân nên sơ cứu đúng cách bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy và xà phòng trong vòng 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn i-ốt. Gia đình, người bị cắn không chăm sóc vết thương theo phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng, gây chậm trễ thời gian tiêm chủng, tăng nguy cơ tử vong do dại.
Bình An