Cụ bà 73 tuổi ở Hà Nội, tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, suy thượng thận. Mỗi khi trời lạnh, bà bị khó thở do bệnh phổi trở nặng. Hôm 20/2, thời tiết Hà Nội rét dưới 10 độ C, cụ bà khó thở, người nhà đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị điều trị, thở máy không xâm nhập, ba ngày mới hồi phục.
Cụ bà là một trong hàng chục bệnh nhân nhập viện Hữu Nghị do trời lạnh những ngày qua. Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị, cho biết khoảng một tuần nay, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận 30-40 bệnh nhân, đa số là người cao tuổi, đa bệnh lý. Trong đó, 60% bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch, 30% bệnh lý hô hấp, còn lại là chấn thương. Con số này so với thông thường tăng khoảng 20-30%. Một số ít bệnh nhân cao tuổi bị chấn thương vì tai nạn sinh hoạt do thời tiết lạnh, hệ xương khớp lão hóa, khả năng vận động hạn chế, mặc quá nhiều quần áo dẫn tới thiếu linh hoạt trong các hoạt động hàng ngày.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, các bác sĩ cho biết trong đợt lạnh này số bệnh nhân nhập viện do các bệnh viêm đường hô hấp tăng 40%. Người già, trẻ em, đặc biệt là những người có các bệnh lý hô hấp mãn tính như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản... hay bị tái phát dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp đe dọa đến tính mạng.
Thời tiết các tỉnh thành phía Bắc đang vô cùng khắc nghiệt, nhiều ngày liên tiếp rét đậm, rét hại xuống dưới 10 độ C, có nơi miền núi, vùng cao chỉ còn 1-2 độ C, khiến nhiều bệnh mùa đông phát triển. Thời tiết lạnh, độ ẩm cao là môi trường thích hợp cho các loại virus đường hô hấp phát triển mạnh. Bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp mạn tính cũng có xu hướng nặng lên do nhiễm thêm các loại virus này, biểu hiện khó thở tăng, ho, sốt, nhiều đờm..., theo các bác sĩ. Nhiệt độ bên ngoài thấp, hệ mạch máu co thắt, khả năng tự điều hòa nhiệt độ của người cao tuổi kém dẫn đến sự quá tải của hệ thống tuần hoàn. Bệnh nhân do đó thường có cơn tăng huyết áp khó kiểm soát, tình trạng suy tim nặng lên, có thể đột quỵ não do sự co thắt quá mức, đột ngột của hệ thống mạch máu.
Ngoài các bệnh hô hấp, nhiều người cao tuổi nhập viện vì tai biến. Tại Bệnh viện E, bác sĩ Phạm Xuân Hiếu - Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết từ đầu tháng 2 đến nay, số lượng bệnh nhân nhập viện do tai biến tăng 10-15%, chủ yếu là người cao tuổi.
Một bệnh nhân ngoài 60 tuổi, biểu hiện chuếnh choáng, khó chịu. Ban đầu ông định "cố hết Tết" mới đến viện để khám, người nhà không yên tâm nên đưa ông vào viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán ông bị tai biến, liệt nửa người trái, thất ngôn. Điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết trong ba ngày thì cơ lực của bệnh nhân đã trở lại, có thể nói lại bình thường.
Bác sĩ Hiếu giải thích, người cao tuổi trong thời tiết lạnh dễ bị tổn thương mạch máu, cơ chế điều hòa tuần hoàn não cũng kém hơn bình thường. Khi trời lạnh gia tăng, sự thay đổi thời tiết tác động rất lớn đến mạch não và mạch tim dẫn đến hiện tượng đột quỵ về não về tim. Trường hợp nặng có nguy cơ hôn mê, tử vong; nhẹ thì để lại di chứng hết sức nặng nề, ví dụ như liệt, tàn tật. Nhiều trường hợp dịp Tết ngại đến viện, hoặc con cháu trong gia đình bận, dẫn đến bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số bệnh nhân đột quỵ cũng gia tăng trong ngày lạnh. Bác sĩ Tạ Đức Thao, Khoa Đột quỵ, cho biết thời tiết lạnh khiến lượng bệnh nhân đột quỵ chảy máu não nhập viện tăng gấp 2-3 lần. Bác sĩ Thao lý giải thời tiết lạnh không tác động trực tiếp gây đột quỵ. Tuy nhiên, nhiệt độ xuống thấp sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ do tình trạng tăng huyết áp đột ngột. Cùng với đó, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, gọi là hiện tượng trung tâm hóa tuần hoàn, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt, gây ra xuất huyết não.
Lượng bệnh nhân đột quỵ vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 cũng tăng. Theo bác sĩ Đặng Phúc Đức, Phó Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận khoảng 5 trường hợp nhập viện, đa số diễn tiến nặng. Tuổi trung bình của các bệnh nhân khoảng trên dưới 66, tỷ lệ nam giới cao hơn nữ. Nhiều bệnh nhân khởi phát đột quỵ sau khi đi vệ sinh ban đêm, sau khi rời nhà tắm, khi mở cửa ra ngoài lúc sáng sớm thời tiết lạnh... Các tình huống này khiến cơ thể nhiễm lạnh đột ngột, phải tăng cường các cơ chế sinh lý giúp giữ ấm. Cụ thể, tim sẽ đập nhanh hơn, mạch máu co lại, huyết áp tăng, xuất hiện run cơ... Các rối loạn sinh học đó làm bệnh nhân dễ bùng phát cơn đột quỵ.
Trời lạnh còn ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Theo bác sĩ Trần Thị Cườm, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, số trẻ nhỏ nhập viện so các bệnh đường hô hấp như ho, sốt, cảm cúm, sổ mũi... tăng khoảng 5-10%, đa số mức độ nhẹ. Một số trẻ bị cúm, song cha mẹ do ngại dịch bệnh không đưa đến khám ngay, dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn huyết.
Các bác sĩ khuyến cáo, trời rét, người cao tuổi, trẻ nhỏ nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, mặc đủ ấm, giữ ấm vùng cổ, mũi họng. Riêng người cao tuổi cần duy trì thuốc điều trị bệnh lý mạn tính, ăn đủ chất, uống đủ nước, tăng cường sức đề kháng bằng các loại vitamin tự nhiên; không để nhiệt độ phòng chênh lệch quá cao so với nhiệt độ ngoài trời. Có thể áp dụng những biện pháp đơn giản như đặt áo ấm cạnh giường ngủ để mặc ngay khi thức dậy, mặc đồ ấm trước khi ra khỏi phòng tắm, mặc ấm trước khi mở cửa ra ngoài trời lạnh... sẽ giúp bảo vệ cơ thể tránh nhiễm lạnh đột ngột.
Khi phát hiện người có dấu hiệu tai biến, đột quỵ, không sơ cấp cứu bằng cách cạo gió, xức dầu, chích máu mười đầu ngón tay, chân hoặc di chuyển quá mạnh... mà lập tức gọi cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Thúy Quỳnh - Chi Lê