Bác sĩ Tạ Đức Thao (Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân đội 108) ngày 12/2 cho biết bệnh nhân đau đầu, nôn, liệt nửa người trái hoàn toàn, ý thức lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng chậm, đặc biệt, huyết áp tăng cao 200/110 mmHg (huyết áp người trưởng thành trung bình là dưới 120/80 mmHg). Gia đình phát hiện, đưa đến bệnh viện khám, kết quả chụp CT cho thấy người bệnh bị chảy máu não.
Bác sĩ điều trị bằng thuốc cầm máu, chống phù não. Đến ngày thứ 10, bệnh nhân hồi phục một phần, ý thức tỉnh táo, song tình trạng liệt nửa người trái chưa hồi phục.
Bác sĩ Thao nhận định nguyên nhân chính dẫn tới đột quỵ ở bệnh nhân này là tăng huyết áp không được phát hiện và điều trị. Thời gian qua, thời tiết miền Bắc rét đậm rét hại là một nguyên nhân góp phần khiến tỷ lệ chảy máu não tăng lên. Lý do bởi trời lạnh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, gọi là hiện tượng trung tâm hóa tuần hoàn, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt, đặc biệt là áp lực tại mạch máu não tăng cao đột ngột gây ra xuất huyết não.
"Bình thường, bệnh nhân huyết áp cao có thể chưa bị chảy máu não, nhưng cộng thêm yếu tố thời tiết trở lạnh làm tăng nguy cơ chảy máu não", bác sĩ nói.
Đột quỵ là tình trạng một phần của não bị ngừng cấp máu đột ngột do vỡ mạch máu (xuất huyết não) hoặc do cục máu đông hay mảng xơ vữa gây tắc nghẽn hoàn toàn một mạch máu nuôi vùng não đó (nhồi máu não) làm người bệnh bất tỉnh hoặc yếu liệt.
Theo bác sĩ Thao, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, 80% trong đó là người bị tăng huyết áp. Có gần 40% không biết bệnh, 69% không được kiểm soát.
Cơ chế gây bệnh là khi huyết áp tăng, nhất là khi trời lạnh, lực tác động của máu lên thành động mạch cao hơn mức cần thiết. Lâu ngày, mạch máu bị tổn thương, không đàn hồi tốt nữa. Mạch có thể bị vỡ khi cục máu đông dồn ép, gây xuất huyết. Đặc biệt, khi nhiệt độ giảm cũng khiến máu dễ đông lại, dính hơn làm tăng khả năng hình thành cục máu đông gây cản trở lưu thông máu lên não, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Xuất huyết não có thể xuất hiện trong lúc làm việc, sinh hoạt, hoặc ngay trong giấc ngủ hay vừa thức dậy, khó lường trước. Các dấu hiệu xuất huyết não thường gặp như đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, co giật, chóng mặt, ù tai, không đứng vững, mắt mờ, người nói lắp và mất khả năng vận động hoặc mất ý thức... Nếu can thiệp trễ, khi bệnh nhân đã hôn mê quá sâu, não bị chèn ép quá nhiều thì dù có thể giữ được mạng sống nhưng khả năng hồi phục rất thấp.
Để phòng tránh đột quỵ vào trời lạnh, việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng. Nên ngủ trong phòng kín gió, luôn giữ đủ ấm cho cơ thể. Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt, vì vậy buổi sáng trước khi rời giường nên có vài động tác vận động nhẹ để làm nóng cơ thể, thích ứng với thời tiết bên ngoài, không nên xuống giường ngay khi vừa thức dậy. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, tập cho cơ thể làm quen và mặc đủ ấm trước khi ra ngoài trong thời tiết lạnh. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, xem có bị tăng huyết áp khôn; điều trị hạ huyết áp đúng thuốc, đúng liều và có theo dõi định kỳ; thận trọng khi thời tiết thay đổi.