Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 40-50 ca sởi, trong đó khoảng hai phần ba là người lớn và 50% số họ dưới 40 tuổi. Khoảng một phần ba số bệnh nhân sởi tại đây bị suy hô hấp, cần hỗ trợ thở oxy nên phải nhập viện. Số ca tại bệnh viện đang ngày càng tăng, cao nhất được ghi nhận cách đây khoảng một tuần, với hơn 70 ca một ngày. Hồi tháng 10, bệnh viện tiếp nhận 89 ca sởi, tháng 11 có 148 ca.
BS.CKII Võ Trương Quý, khoa Nội A, cho biết các bệnh nhân sởi nhập viện thường có triệu chứng sốt cao liên tục, ho và khó thở. Một số người bị viêm kết mạc mắt (đỏ mắt, chảy nước mắt, đổ ghèn), ho, sau đó nổi ban toàn thân. Ở những người đã tiêm vaccine sởi không đủ liều hoặc không đủ kháng thể bảo vệ, biểu hiện bệnh không điển hình.
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cũng tiếp nhận gần 80 bệnh nhân sởi từ đầu tháng 10 đến nay, tuổi 20 đến 40. Trong thời gian này, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai điều trị 70 ca tuổi 20-40, trong đó nhiều người cần hỗ trợ thở oxy, một ca suy đa cơ quan, thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục.
Bệnh sởi đang tăng cao cả nước. Bộ Y tế ghi nhận từ đầu năm đến cuối tháng 11 cả nước có gần 5.000 ca dương tính với virus sởi, cao hơn 111 lần so với năm 2023. 5 người đã tử vong do sởi. Số ca có xu hướng tăng nhanh về cuối năm ở nhiều địa phương, đặc biệt nhiều người lớn mắc bệnh, như tình hình tại TP HCM.
TP HCM vẫn chưa khống chế được bệnh sởi sau 4 tháng công bố dịch để tập trung tiêm chủng cho trẻ nhỏ phòng bệnh, nguyên nhân do di biến động dân cư và sót nhiều trẻ chưa tiêm vaccine. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM trong tuần từ 26/11 đến 2/12 ghi nhận số nhiễm mới ở mức kỷ lục với 319 ca, tăng hơn 58% so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận hơn 2.400 ca sởi, 4 ca tử vong
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo bệnh sởi có tính chất lây lan nhanh, mạnh. Một người mắc sởi có thể lây lan cho 12-18 người khác. Bệnh nặng có thể biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, suy hô hấp nếu không được điều trị đúng cách. Nhóm nguy cơ cao là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch, thai phụ.
Theo bác sĩ Quý, nguyên nhân người lớn trở nặng do sởi là do tự điều trị không đúng cách, chưa tiêm vaccine hoặc tâm lý chủ quan bệnh chỉ có ở trẻ em. Bác sĩ khuyến cáo, việc điều trị sởi cho nhóm người lớn có thể thực hiện tại nhà, trong trường hợp bệnh nhẹ không biến chứng. Nếu có dấu hiệu ho nhiều, mệt mỏi không ăn, đặc biệt những người trong nhóm nguy cơ cần nhập viện ngay.
"Tự điều trị không đúng cách có thể làm cho virus sởi phát triển nhanh đồng thời gây suy giảm miễn dịch, giảm khả năng chống lại tác nhân gây bệnh khác", bác sĩ Quý nói.
Hiện, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy người dân nên chủ động phòng bệnh, trong đó tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất.
Việt Nam đang sử dụng bốn loại vaccine sởi gồm mũi đơn MVVAC, mũi phối hợp phòng sởi - rubella MRVAC của Việt Nam, mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella của Mỹ và mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella của Bỉ tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử tiêm chủng trước đó cần tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine, phác đồ cách nhau một tháng.
Phụ nữ nếu có kế hoạch mang thai cần hoàn thành hai mũi vaccine trước khi mang thai ba tháng. Việc tiêm chủng sẽ giúp người mẹ có miễn dịch với bệnh, truyền kháng thể bảo vệ con trong những tháng đầu đời.
Đối với trẻ dưới 9 tháng (chưa đủ tuổi tiêm phòng), Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo chỉ tiêm chủng khi có chỉ đạo và trong trường hợp cần thiết. Hiện, theo thông tin kê toa từ nhà sản xuất, MVVAC (Việt Nam) và MMR II (Mỹ) có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến 9 tháng khi có dịch. Đến 9 hoặc 12 tháng tuổi, trẻ vẫn cần hoàn thành lịch tiêm cơ bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Ngoài tiêm vaccine, người dân cần hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng, sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, khu vực tập trung đông người để tránh lây nhiễm sởi.
Văn Hà