Theo Bác sĩ CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, hai tuần đầu tháng 10, các trung tâm tiêm chủng VNVC ở Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành khác ghi nhận hàng nghìn lượt người đến tiêm vaccine mỗi ngày. So với những tháng áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, lượng người chủng ngừa tăng 200%, trong đó chủ yếu là trẻ em. Nhiều khách hàng chủ động phòng dịch bằng cách che chắn cẩn thận cho trẻ, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, đi tiêm vào khung giờ chiều và trưa các ngày trong tuần để tránh tình trạng đông đúc.
Tuy nhiên, việc trì hoãn tiêm vaccine những tháng qua đã khiến nhiều trẻ bỏ lỡ cơ hội chủng ngừa, đặc biệt là vaccine rotavirus.
"Có những loại vaccine nếu không tiêm đúng lịch, đủ mũi trong thời gian khuyến cáo, trẻ sẽ không có cơ hội tiêm nữa, hoặc không đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu. Ví dụ: rất nhiều trẻ khi đến uống rotavirus trễ cũng sẽ không được chỉ định , do quá tuổi chủng ngừa", bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết.
Đại dịch Covid-19 đã làm "đứt gãy" lịch tiêm chủng của nhiều trẻ nhỏ lẫn người lớn tuổi. Do lo sợ lây nhiễm Covid-19, không ít gia đình có tâm lý e ngại ra khỏi nhà để đi tiêm chủng phòng ngừa các bệnh khác. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), trong năm 2020, có 20 triệu trẻ em trên thế giới bỏ lỡ tiêm chủng đủ 3 liều cơ bản vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà. Tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam cũng sụt giảm đáng kể.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, tại VNVC, tỷ lệ người được tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm trong nửa đầu năm nay giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng bỏ mũi, trễ lịch diễn ra ở khắp cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía nam, nơi có diễn biến dịch phức tạp. Nhiều phụ huynh suy nghĩ đơn giản rằng chưa tiêm tháng này thì có thể tháng sau đi tiêm, hoặc có thể không tiêm vaccine cũng không sao.
Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo việc chậm trễ tiêm chủng theo lịch có thể khiến trẻ mắc các bệnh nguy hiểm, dẫn đến các đợt bùng phát của những dịch bệnh khác đe dọa đến sức khỏe, thâm chí là tính mạng, nhất là sau khi hết giãn cách xã hội.
"Tất cả mọi người cần cố gắng tiêm chủng vaccine đầy đủ đúng lịch, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, người có hệ miễn dịch yếu... cũng cần phải chủ động chủng ngừa các loại vaccine phòng bệnh hô hấp quan trọng như vaccine phế cầu, cúm, ho gà, bạch hầu...để bảo vệ lá phổi, đồng thời hỗ trợ hạn chế nguy cơ biến chứng nặng do Covid-19 nếu đồng mắc cùng lúc nhiều bệnh", bác sĩ Chính cho biết thêm.
Thời tiết chuyển mùa thu - đông hiện nay là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh dễ bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Theo ghi nhận trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội gần đây, số bệnh nhi nhập viện về bệnh đường hô hấp (cúm, hen phế quản, viêm phổi,...) tăng cao. Trong đó, nhiều ca bệnh có diễn tiến nặng phải thở oxy, thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi), thở máy. Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết bùng phát đang gây lo lắng cho cộng đồng khi nhiều trẻ có biến chứng suy hô hấp.
Hiện Việt Nam có khoảng hơn 40 loại vaccine phòng hơn 50 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. BS Chính khuyến khích người dân nên nhanh chóng đến các trung tâm tiêm chủng để chích ngừa bù sau thời gian gián đoạn vì dịch.
Các vaccine cần tiêm ngay sau khi "bình thường mới", tiêm bù tiêm đuổi cho trẻ là vaccine Rota, vaccine phế cầu, vaccine 5in1, 6in1, và các vaccine phòng bệnh giao mùa như vaccine sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, vaccine boostrix phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, vaccine cúm... Các trung tâm VNVC cũng đã lên những kịch bản về việc tiêm "bắt kịp" các loại vaccine cho những khách hàng bị trễ lịch.
"Phụ huynh hãy đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để bác sĩ kiểm tra lịch sử tiêm chủng và có những tư vấn phù hợp đảm bảo hiệu quả vaccine tốt nhất và đầy đủ nhất cho trẻ, hạn chế tối đa việc mất cơ hội tiêm chủng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ", bác sĩ Chính cho biết. "Có thể phải áp dụng các lịch tiêm chủng "Bắt kịp" (Catch up) để hoàn thành lịch tiêm chủng sớm nhất có thể".
Để thuận lợi cho các gia đình được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, tránh tình trạng tập trung đông đúc, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC lên kế hoạch đăng ký tiêm online và sắp xếp khung giờ hẹn sẵn. Hệ thống tổng đài sẽ gửi tin nhắn hẹn tiêm cho từng người, tạo điều kiện cho phụ huynh và bé lưu thông dễ dàng. Cha mẹ nên chủ động đặt lịch hẹn trước để không phải chờ đợi lâu và tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế như khai báo y tế đầy đủ, đeo khẩu trang đúng cách, chú ý giãn cách, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, các phụ huynh nên cập nhật thông tin về các dịch bệnh khác ở trẻ em, người lớn, bên cạnh thông tin về dịch Covid-19.
Anh Ngọc