"Vì ở trên internet là ảo, không biết nhau là ai, nên dù biết phải trái rõ ràng như thế nào, nhưng họ cũng dùng mọi thủ đoạn để chọc tức, tạo ra 'drama cục bộ' ngay trên Facebook hay Youtube để kích thêm mọi người vào xem hòng câu thêm view.
Đây cũng là một dạng thao túng tâm lý, những bạn trẻ thích 'hít drama' rất dễ ngã vào vòng xoáy này, tệ hơn nữa là sau này không còn phân biệt đúng sai nữa, dễ trở nên hoặc trầm cảm, hoặc kích động, bạo lực, xử lý các hoạt động, tình huống xảy ra trong cuộc sống, công việc thường ngày bị sai lệch với chuẩn mực đạo đức. Thật nguy hiểm".
Độc giả Sao Lam nói về văn hóa bình luận trên mạng xã hội. Bình luận này được chia sẻ sau bài viết Thức đến 2h sáng vì 'ngụp lặn' trong cãi nhau trên Facebook.
Vào năm 2020, theo khảo sát của Microsoft, Việt Nam đứng thứ 5 trên tổng số 25 quốc gia có hành xử không văn minh trên môi trường Internet.
Độc giả Hoài Long thì cho rằng: "Mạng xã hội là nơi con người thật sống với sự buông thả của bản thân, nhất là cái tôi sẽ được đẩy cao lên ở mạng xã hội. Chuyện của ai đó rồi lại vào bình luận chửi rủa, lại người khác vào bênh vực lại quay sang chửi nhau... Thế là chuyện ai đó lại thành chuyện chửi lộn của mình. Tự chuốc lấy sân hận vì một bài viết nào đó.
Và phần quảng cáo của mạng xã hội lại xuất hiện theo tiêu chí click, xem của người dùng, thế là tin tiêu cực liên tục xuất hiện... càng làm cho con người trở nên sân hận khó gần ngay cả sau khi rời mạng xã hội tiếp xúc xã hội thật.
Họ cũng quá khó gần quá khó để cùng họ có thể nói chuyện vài câu vì họ dễ cáu gắt sân hận do thói quen cãi lộn dạo trên mạng xã hội. Hãy biết thương yêu mình hơn, ai tốt xấu là chuyện họ, ta tốt xấu mới là điều đáng quan tâm các bạn ạ".
Độc giả thecolorpurple1412 nói: "Những phương tiện, công nghệ được làm ra để xóa đi (hay rút ngắn) khoảng cách địa lý, mang con người đến gần nhau hơn, lại ngày càng trở thành nơi để chúng ta nuôi dưỡng những cuộc va chạm, tranh cãi không có tính xây dựng và không có lối thoát.
Cũng không biết khi tranh cãi như vậy thì người tham gia tranh cãi có thoải mái hơn không? Nhưng chắc chắn sẽ có tổn thương được gây ra cho đối tượng này hay đối tượng khác, theo cách này hay cách khác vì những lời khiêu khích, đả kích, có khi nhiều hận thù, mà thực chất là giữa những con người không hề có quan hệ ngoài đời với nhau, hay có sự tương tác, giao tiếp trực tiếp nào để có đánh giá gần với sự thật.
Đó là một thực trạng buồn, và tôi đồng ý với tác giả. Vấn đề không nằm ở những phương tiện kết nối, mà ở cách chúng ta (chọn) thiết kế và (chọn) sử dụng chúng. Dù vậy, tôi vẫn tin rằng tăng cường sự giao tiếp giữa người với người vẫn tốt hơn là cắt giảm giao tiếp, bởi có trao đổi mới có mở mang.
Tôi chọn cách nghĩ lạc quan (có thể hơi lý tưởng), rằng có ngã thì ta mới biết học cách đứng dậy (và đi đúng đường). Mong là sẽ có đủ người trong chúng ta chịu học cách đứng dậy, và đứng dậy đủ sớm".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.