Cú sập của Facebook vào tối thứ ba tuần trước làm cô bạn cùng phòng của tôi bực mình, vì mạng xã hội này sập đúng giờ lên giường nằm lướt điện thoại, sau đó mới đi ngủ của cô ấy.
Ngứa ngáy tay chân, cô bạn tranh thủ lướt TikTok nhưng nói với tôi: "Lướt Facebook đã hơn, thỉnh thoảng có drama nổ ra thì vui lắm". Thú vui này chính là đi cãi nhau trên Facebook.
Có hôm tôi trở giấc lúc 2h sáng, vẫn thấy cô bạn chưa ngủ vì còn đang cãi nhau với hàng chục người lạ, trong một bài đăng về ca sĩ, thần tượng gì đấy hay là lời khen chê về một bộ phim mới ra rạp. Có lúc, đang ăn tối thì cô bạn này bỏ đũa, "phải login nick clone vào để đi cãi nhau mày ạ, tao thấy cặp đôi này chướng mắt quá" mặc cho tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Các bạn hay đi cãi nhau trên Facebook xin cứ yên tâm, không chỉ các đối thủ của bạn phải đi đọc từng bình luận để "biết họ nói gì để còn cãi nhau tiếp" thì cũng có hàng ngàn người khác dõi theo, bấm like cho phe này lẫn phe kia.
Đó là mấy cô đồng nghiệp trong công ty của tôi. Mấy buổi tối rảnh rỗi, họ lần lượt thăm thú các Fanpage lớn nhỏ, "thuật ngữ chuyên môn" gọi là "hóng drama", và sẵn sàng bấm vào phần xem thêm để xem hàng trăm comment chửi nhau của người khác.
Đổ lỗi cho mạng xã hội trong những trường hợp này tôi thấy không đúng. Cách sử dụng mạng xã hội của nhiều người ngoài thể hiện bản thân còn để thỏa tính tò mò.
Văn hóa tiêu cực làng xã xem ra chẳng mất đi mà nó truyền từ ngoài đời thực vào mạng xã hội. Ở ngoài đời, mỗi khi có nhà nào cãi nhau, mắng nhau thì hàng xóm xúm nhau xem, trên mạng cũng y như thế. Chỉ có khác là ngoài đời thực lâu lâu mới có một trận cãi nhau để xem, còn trên Facebook thì ngày nào cũng có.
Hậu quả là vừa tốn thời gian vô bổ, vừa tốn tiền mua kem trị thâm quần mắt, sáng nào cũng uể oải như cô bạn cùng phòng của tôi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.