GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn VnExpress về việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
- Thưa ông, sau gần một tháng xin ý kiến nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII, Thường trực Tổ biên tập đã nhận được các góp ý như thế nào?
- Thời gian tuy không nhiều nhưng việc tổ chức lấy ý kiến lần này được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, bài bản và chất lượng cao.
Trong suốt thời gian xin ý kiến, Thường trực Tổ biên tập đã phân công nhau dự một số cuộc hội thảo, tọa đàm, trực tiếp lắng nghe đóng góp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp nhận biên bản tổng hợp ý kiến từ các đầu mối như Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Đảng đoàn Quốc hội... Trong đó, báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội tổng hợp góp ý của 135 đại biểu; báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương tập hợp hàng nghìn tin, bài của các báo, đài từ Trung ương đến địa phương, với đầy đủ thể loại.
Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến góp ý sâu sắc tại các cuộc tọa đàm được tổ chức bởi các Viện nghiên cứu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương...; có những bản góp ý viết 40-50 trang. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng gửi nhiều góp ý.
Ngoài các kênh góp ý nêu trên, đảng viên, nhân dân còn gửi ý kiến trực tiếp cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Ủy viên Bộ Chính trị và những người tham gia Tổ biên tập chúng tôi. Tất cả các ý kiến gửi đến Tổng Bí thư đều được ông yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp chuyển cho chúng tôi.
- Những góp ý gửi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề cập đến vấn đề gì?
- Nhân dân rất tinh tường, biết góp ý nội dung gì, cho ai. Cụ thể, những người gửi góp ý đến Tổng bí thư đa phần là các nhà khoa học, cán bộ lão thành, cựu chiến binh..., với các ý kiến rất tâm huyết vào vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Họ mong muốn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống suy thoái, chống tự diễn biến phải được tiếp tục đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến góp ý về công tác cán bộ, đề nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng vấn đề bố trí cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược để tránh tình trạng một số lãnh đạo đã mắc sai lầm, bị kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự như thời gian qua.
Ngoài ra, người dân cũng gửi thư góp ý đến các Uỷ viên Bộ Chính trị. Đơn cử, các ý kiến gửi Thủ tướng thường nhấn mạnh nhiều đến kinh tế - xã hội, góp ý vào mục tiêu phát triển giai đoạn tới, đề nghị cân nhắc xem mục tiêu đó có cao quá không, đã lường hết khó khăn chưa?
Tôi cũng nhận được nhiều góp ý, trong đó có cả cán bộ nghiên cứu 70 năm tuổi Đảng ở TP HCM. Có người góp ý với tôi đề nghị cân nhắc từ ngữ, xem xét tính khả thi của mục tiêu "dân thụ hưởng" trong cụm từ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Họ cho rằng mục tiêu "dân thụ hưởng" hiện nay rất khó khăn. Tôi đọc từng chữ các góp ý và trả lời tất cả mọi người, nói rằng "xin tiếp thu và sẽ cân nhắc một cách nghiêm túc".
- Ngoài nội dung trên, người dân còn tập trung góp ý vấn đề gì trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII?
- Nhân dân đóng góp vào tất cả các dự thảo văn kiện, trung tâm là dự thảo Báo cáo Chính trị. Nội dung đề cập đến tất cả các vấn đề, từ đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đánh giá thành tựu 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh 91, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển và chiến lược phát triển kinh tế xã hội... Nghĩa là nội dung góp ý rất toàn diện, phong phú.
Có ý kiến đề nghị điều chỉnh những nhận định, đánh giá cho phù hợp hơn với thực tiễn, làm sâu sắc hơn nguyên nhân thành công, hạn chế, các bài học kinh nghiệm rút ra. Cũng có ý kiến đóng góp cụ thể vào các vấn đề trọng tâm của các dự thảo, ví dụ như chủ đề, dự báo tình hình trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến đi sâu vào các khâu đột phá chiến lược, hệ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, năm 2030, năm 2045; đề xuất bổ sung, làm phong phú thêm các định hướng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ môi trường.
Có người đề nghị dự thảo phải nêu rõ việc dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước, có giải pháp để các cơ quan không bị chảy máu chất xám...
- Các góp ý sẽ được tiếp thu vào dự thảo Văn kiện ra sao?
- Trong quá trình tổng hợp, những ý kiến nào hợp lý, đúng tầm thì ở cấp độ thường trực Tổ biên tập chúng tôi sẽ tiếp thu, sau đó trình các cấp có thẩm quyền. Ví dụ, về ba khâu đột phá chiến lược là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, nhiều ý kiến nói là chúng ta phải quan tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tới đây trong phần đột phá về thể chế chúng tôi sẽ tiếp thu, nêu rõ tạo môi trường thể chế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Về khâu đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo Văn kiện đã nêu rõ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt... Như vậy là vấn đề thu hút nhân tài đã được nói đến, chúng tôi sẽ tiếp thu theo hướng làm rõ hơn, sâu sắc hơn.
Một số người băn khoăn tính khả thi của các mục tiêu nêu trong dự thảo, như đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp; đến 2030 là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Các băn khoăn đều có căn cứ. Vấn đề ở đây là chúng ta đưa ra chỉ tiêu cao nhưng chuẩn bị các phương án khác nhau để chủ động ứng phó với biến động của tình hình. Những mục tiêu đó đều đã được tính toán rất cẩn thận, theo tinh thần chủ động phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Khi đưa ra các mục tiêu như vậy, chúng ta không chủ quan mà tính toán hết các khó khăn bên ngoài, các trở ngại bên trong để khắc phục. Trong tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, rất khó dự báo, đoán định thì không bao giờ Việt Nam đánh cờ một nước. Đánh cờ bao giờ cũng phải có nhiều nước, với tinh thần tiến công, đổi mới sáng tạo, đạt kết quả cao nhất.
Tóm lại, các góp ý hợp lý, phù hợp với tính chất của dự thảo Văn kiện sẽ được tiếp thu triệt để. Quá trình góp ý, ngành nào cũng muốn ngành mình được nói kỹ hơn thì báo cáo rất dài, trong khi Văn kiện, báo cáo Chính trị là định hướng những vấn đề tầm quan điểm, tầm nhận thức, không thể đi quá cụ thể. Những nội dung đó sẽ được cụ thể hóa trong nghị quyết, chương trình hành động sau này.
- Các bước hoàn thiện dự thảo Văn kiện tiếp theo sẽ như thế nào, thưa ông?
- Sau khi nhận được các biên bản tổng hợp góp ý, Tổ biên tập đã khẩn trương trao đổi, tinh thần là tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý. Từ các nội dung tổng hợp, chúng tôi sẽ xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân, chuẩn bị báo cáo Trung ương tại Hội nghị diễn ra trong tháng 12.
Để có báo cáo Trung ương thì còn ba bước cần thực hiện. Một là Tổ biên tập trao đổi, thống nhất với nhau, lập báo cáo với Trưởng ban Văn kiện và các tiểu ban. Sau đó, trình Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện trước khi trình ra Trung ương.
Thời gian chỉ còn hơn nửa tháng nhưng công việc rất nhiều nên Tổ biên tập phải tập trung làm ngày làm đêm, thậm chí cả ngày nghỉ để tiếp thu tối đa các góp ý.
Bốn dự thảo Văn kiện đại hội XIII của Đảng được công bố toàn văn, xin ý kiến nhân dân từ hôm 20/10 đến 10/11, gồm:
Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng;
Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030;
Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025;
Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.