Ngày 26/10, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên cho các dự thảo văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, dự thảo văn kiện lần này có nhiều điểm mới. Nếu trước đây chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh" thì lần này đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".
Liên quan nội dung trên, bà Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, góp ý "một trong những vấn đề quan trọng nhất là nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên".
Theo bà, Việt Nam đang có hiện tượng chảy máu chất xám trong các cơ quan của Đảng và chính quyền. "Đã là cán bộ giỏi thì ở đâu cũng có thể đóng góp, nhưng khi cần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng thì phải có người giỏi, có chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài", bà Nga nói.
Đề cập đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, cho rằng dự thảo văn kiện cần làm rõ nền giáo dục đã tiến bộ hơn trước như thế nào và còn vấn đề gì cần khắc phục. Chẳng hạn, dự thảo văn kiện nêu "chương trình sách giáo khoa phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình", nhưng cần làm rõ đúng như thế nào và người dân mong muốn gì ở sách giáo khoa.
GS Dong nói Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số..., nghĩa là đặt ra yêu cầu về công dân số, "từ những người lao động như bà bán rau, ông bán nước cho đến mọi người đều phải sử dụng được các tiện ích số".
Chung ý kiến, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cho rằng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí "đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế", sao cho lao động Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Phương Nga, Việt Nam không thể có một nền giáo dục tốt nếu như không có đội ngũ giáo viên giỏi. Vì vậy, việc tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, bổ sung chính sách cho giáo viên cần phải được đề cao.
"Cần có chính sách đặc thù trong phân bổ ngân sách cho nghiên cứu khoa học, khác với chi phí hành chính hiện nay; đồng thời tăng cường các mô hình quỹ hỗ trợ khoa học, công nghệ, đề nghị doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm", bà Nga nói.
Theo bà Nga, dự thảo văn kiện nêu "kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí" là chưa đủ, mà cần bổ sung thêm từ "quan liêu", vì trong Cương lĩnh năm 2011 và văn kiện đại hội XII đều nói đến chống "quan liêu". Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "quan liêu" chính là nguồn gốc của tham nhũng, lãng phí.
Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, cho rằng trong nhiệm kỳ qua, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN tiếp tục được hoàn thiện, tuy nhiên, vi phạm của các cơ quan còn nhiều, đến mức phải xử lý như ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...
Vì vậy, tướng Sở góp ý, dự thảo văn kiện cần đặt vấn đề thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban chấp hành Trung ương, lãnh đạo chủ chốt. "Phải loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, kiên quyết loại bỏ khỏi tổ chức Đảng những người không đủ phẩm chất ngay tại đại hội hoặc trong quá trình lãnh đạo có biểu hiện xấu", ông Võ Sở nói và cho rằng cần triển khai các giải pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Bốn dự thảo văn kiện đại hội XIII của Đảng được công bố toàn văn, xin ý kiến nhân dân từ 20/10. Người dân có thể tham gia góp ý trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị xã hội, các hội thảo, tọa đàm khoa học; hoặc gửi thư góp ý kiến tới cấp ủy Đảng và cơ quan báo chí...