GS Phùng Hữu Phú - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết như trên tại cuộc tọa đàm trực tuyến "góp ý dự thảo văn kiện đại hội XIII của Đảng", ngày 19/10.
Theo GS Phú, xây dựng cơ chế để dân giám sát sẽ góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực của bộ máy, cán bộ, công chức. "Không ai hiểu cán bộ, tổ chức bằng dân. Cán bộ này có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà; tổ chức này, đoàn thể kia hoạt động thực chất hay không, dân đều biết rất rõ", ông nói.
Cùng với đó, ông cho rằng nếu như thời kỳ chiến tranh, lợi ích dân tộc được đề cao, thì khi hòa bình, xây dựng kinh tế thị trường, vấn đề lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng và cá nhân phải hài hòa.
"Nhân dân phải được thụ hưởng, đây là động lực. Nếu dân làm, dân kiểm tra, giám sát mà không được thụ hưởng thì vô nghĩa. Cho nên thêm mấy chữ thôi mà rất quan trọng", ông Phú nhấn mạnh.
GS Phùng Hữu Phú cũng cho biết, chủ đề của đại hội XIII là kết hợp của 5 thành tố: Đảng, dân tộc, công cuộc đổi mới, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và mục tiêu phấn đấu đã được nói đến trong các đại hội X, XI, XII, được kế thừa và bổ sung cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Đơn cử, nếu như trước đây văn kiện đại hội chỉ ghi là "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh" thì lần này, chủ đề đại hội XIII được đề xuất là "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". "Hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. "Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo cao nhất. Chúng ta đã nhấn mạnh đến vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị", ông Phú nói.
Phương châm đại hội XIII là đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển, trong đó nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh, "trong Đảng phải đặc biệt giữ đoàn kết", theo GS Phùng Hữu Phú.
PGS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, thông tin thêm, so với các kỳ đại hội trước, dự thảo văn kiện trình đại hội XIII rất coi trọng vấn đề phát triển văn hóa. Dự thảo dành hai mục lớn để nói về văn hóa con người và về xã hội, trong đó, hệ giá trị quốc gia và chuẩn mực con người gắn với phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời đại mới được tập trung xây dựng.
"Đất nước ta có mấy nghìn năm lịch sử, nhiều giá trị cần phải được tổng kết và xây dựng. Đó là điểm mới đầu tiên về lĩnh vực văn hóa", ông Thông nói.
Dự thảo văn kiện cũng đề ra giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự xuống cấp về lối sống đạo đức và đề ra định hướng "phát triển công nghiệp văn hóa". Theo ông , nhiều nước trên thế giới có nền công nghiệp văn hóa phát triển rất mạnh, Việt Nam dù đã đề ra nhiệm vụ này trong các đại hội trước nhưng "triển khai chưa được bao nhiêu".
Vì vậy, dự thảo văn kiện lần này đề ra nhiệm vụ quan trọng là phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam; vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới.
Ngoài ra, dự thảo văn kiện đại hội XIII cũng đề cập đến vấn đề xã hội và phúc lợi xã hội. "Đây là điểm mới. Nhấn mạnh đến an sinh xã hội, phúc lợi xã hội thì sẽ thấy được tính ưu việt của CNXH", ông Thông nói.
Các dự thảo văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ được công bố, lấy ý kiến nhân dân từ 20/10 đến 10/11.
Các dự thảo các văn kiện công bố lấy ý kiến nhân dân, gồm: Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.