Tôi bắt gặp ảnh chụp một trang vở học sinh trên mạng xã hội. Những dòng chữ xiêu vẹo trong đó khiến tôi căng mắt ra đọc xem nội dung là gì. Phải vài phút sau tôi mới biết nội dung là ghi bài học tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Cháu tôi những năm học tiểu học, tập vở sạch đẹp, chữ viết gọn gàng mặc dù thỉnh thoảng vẫn bắt gặp lỗi chính tả. Vậy mà từ khi bắt đầu lên cấp hai rồi cấp ba, mỗi lần giở tập ra xem là tôi phát hoảng vì chữ quá xấu.
Khi học tiếng Hoa, tôi bắt gặp tình trạng nhiều người gõ (pinyin) trên điện thoại, laptop thì được, nhưng tới phần viết chữ cứng thì bó tay vì không nhớ nổi chữ đó có bao nhiêu nét, viết nét nào trước, nét nào sau.
Một đài truyền hình cũng làm một phóng sự vì nhiều học sinh ở Trung Quốc quên mất cách viết chữ cứng, cũng như viết xấu. Tôi thấy tình hình ở Việt Nam cũng như thế. Nhiều bậc phụ huynh cho con học thêm, học bớt, học Anh văn, học Toán, Lý, Hóa... quá nhiều để rồi chính họ tự thấy con mình chịu nhiều áp lực học.
Vậy nên khi một số người phản ánh tình trạng chữ viết của học sinh hiện nay quá xấu, xấu đến mức không đọc được thì họ lại hỏi: "Viết chữ đẹp để làm gì?", "thời đại gõ máy tính, điện thoại mấy ai viết tay trên giấy đâu mà đòi đẹp".
Khó có thể định nghĩa thế nào là chữ đẹp, tùy theo gu thẩm mỹ của mỗi người. Thế nhưng theo tôi chữ chân phương, rõ ràng cũng là đẹp rồi. Còn bây giờ nhiều học sinh chữ xấu như gà bới, làm bối rối người đọc thì chỉ cho thấy sự cẩu thả mà thôi.
Đúng là nhận xét nết người qua nét chữ có phần võ đoán. Nhưng tôi cho rằng, chữ viết cũng phần nào thể hiện tính cách con người. Chữ đẹp sẽ khiến người xem có thiện cảm hơn chữ xấu.
Thanh Dũng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.