Sau khi Chính phủ thông báo cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 và quyết định về hạn ngạch của Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã "canh" mở tờ khai nhưng đều trượt.
Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, doanh nghiệp đã cử nhân viên túc trực mở tờ khai hải quan cả ngày thứ 7 (11/4) sau khi có thông tin Chính phủ đồng ý cho phép xuất khẩu gạo trở lại. Nhưng lúc đó, cổng đăng ký tờ khai hải quan chưa mở.
"Đến 0h ngày 12/4, hải quan bất ngờ mở tờ khai cho hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo mà không hề có thông báo trước với các doanh nghiệp. Chỉ 3 tiếng sau đó, họ lập tức đóng và thông báo đủ hạn ngạch xuất khẩu", ông Bình nói.
Do đó, hiện doanh nghiệp này chưa mở được tờ khai hải quan nào cho hơn chục nghìn tấn gạo đã ký hợp đồng với đối tác. Theo ông, từ ngày 24/3 đến nay, công ty bị ùn 100 container, khoảng 2.000 tấn gạo ở cảng. "Khi có thông tin được xuất khẩu gạo trở lại, chúng tôi đã rất mừng, nhưng rồi lại hụt hẫng vì cách làm việc của cơ quan chức năng", ông buồn rầu.
Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một doanh nghiệp có nhà máy tại Đồng Tháp cũng cho hay, doanh nghiệp ông không nhận được thông báo nào từ phía hải quan về việc sẽ mở lại tờ khai xuất khẩu gạo. Tới sáng 12/4, khi ông vào mở tờ khai thì nhận được thông báo cổng mở tờ khai đóng do đã đủ hạn ngạch xuất khẩu. Hơn 200 container hàng của doanh nghiệp ông buộc phải chở về kho cất trữ chờ đợi đợt cấp hạn ngạch tháng 5.
"Từ ngày 24/3, hàng nằm ở cảng hơn 5.000 tấn, chúng tôi đã mất khá nhiều loại chi phí: phí container, lưu kho bãi, vận chuyển từ kho tới cảng và vận chuyển về. Lần này cũng lại mất thêm một lượt như vậy, tổn thất không biết bao nhiêu mà kể", ông chia sẻ.
Vị này cho rằng, cách làm việc của các cơ quan chức năng không sòng phẳng, khiến những doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ chịu thiệt thòi. Giá gạo đang ở mức cao, công ty hy vọng với quota 400.000 tấn có thể xuất vài chục tấn, nhưng giờ về tay không và chờ đợi không biết đến bao giờ. Công ty lỡ hẹn với đối tác hết lần này tới lần khác.
Ông thông tin thêm, hôm nay doanh nghiệp dành cả sáng, họp qua trưa để tìm cách gỡ khó nhưng cũng không có cách nào. Nguyên nhân là hải quan đã đóng tờ khai xuất khẩu với lý do đủ hạn ngạch nên giờ chỉ còn cách chở hàng về kho và chờ đợi.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Cần Thơ cũng bức xúc khi gần 1.800 tấn gạo nằm chờ ở cảng từ ngày 23/3 đến nay và 10.000 tấn hợp đồng đã ký với đối tác Philippines sẽ không xuất được trong tháng 4 vì chưa mở được tờ khai hải quan nào.
"Hải quan mới làm thủ tục thông quan vài chục container hàng đã đóng cửa và thông báo đạt đủ số hạn ngạch 400.000 tấn. Số hàng của các doanh nghiệp nằm chờ ở cảng từ cuối tháng 3 không được giải quyết thông quan trước", ông cho biết.
Doanh nghiệp này đang bối rối trong xử lý lô hàng nằm ở cảng vì không biết nên "chuyển về kho hay để yên đây và chờ hạn ngạch tháng 5". Chưa kể, ông cho biết khả năng sẽ bị đối tác phạt vì đã 2 lần thất hẹn không chuyển hàng đúng hạn.
Vị này cho biết thêm, trong khi hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ không thể chen chân mở tờ khai thì một số doanh nghiệp lớn lại được ưu ái mở với số lượng lớn. Ông cũng đặt vấn đề có hay không lợi ích nhóm trong phân cấp hạn ngạch xuất khẩu lần này.
Trao đổi với VnExpress sáng 13/4, ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết hạn ngạch lần này chỉ có 400.000 tấn, các doanh nghiệp đăng trước hết rồi thì các doanh nghiệp sau không thể mở được tờ khai. "Doanh nghiệp nào đăng ký sớm sẽ được hệ thống chấp nhận ngay. Theo nguyên tắc, hệ thống trừ lùi đến khi nào hết hạn ngạch, hệ thống sẽ tự động dừng không cho đăng ký tờ khai mới", ông nói.
Tổng cục Hải quan cho biết trong đợt này, 40 doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 chi cục.
Theo ông Tuấn, để mở tờ khai xuất khẩu gạo trong đợt tiếp theo, các doanh nghiệp phải chờ Bộ Công Thương đánh giá lại, báo cáo Thủ tướng xem xét hạn ngạch tháng 5 hoặc trong tháng này có doanh nghiệp nào không xuất khẩu, còn thừa hạn ngạch sẽ cho đăng ký mở tờ khai tiếp.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình kiến nghị, lúc này cơ quan chức năng gồm Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan cần có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Theo ông, cơ quan chức năng nên ưu tiên cho mở tờ khai xuất khẩu số lượng container đã nằm tồn, chờ ở các cảng từ ngày 24/3 đến nay, khoảng 200.000 tấn. Sau khi hết số này, sẽ mở tiếp tờ khai hải quan mới cho tới khi đạt đủ số lượng theo hạn ngạch 400.000 tấn. "Với cách làm hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu gạo chịu rất nhiều thiệt thòi", ông Bình nói.
Anh Minh - Anh Tú