Trong văn bản góp ý với Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính cho biết việc mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 đang gặp khó. Kế hoạch Thủ tướng giao mua dự trữ 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tẻ loại thường. Các doanh nghiệp đã bỏ thầu và trúng thầu cung cấp khoảng 178.000 tấn. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, khi thấy nhu cầu xuất khẩu gạo tăng, một số doanh nghiệp lại trì hoãn ký hợp đồng, không thương thảo dù đã trúng thầu.
Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ đến 15/6 để đảm bảo công tác mua dự trữ quốc gia. Các mặt hàng gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm vẫn được xuất khẩu bình thường. Sau khi cơ quan dự trữ quốc gia đã mua đủ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục để xuất khẩu linh hoạt.
Với đề nghị này, Bộ Tài chính cho biết Tổng cục Hải quan sẽ giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu đối với các loại gạo. Sau ngày 15/6 khi gạo tẻ được xuất khẩu bình thường, hải quan sẽ căn cứ số lượng gạo do Bộ Công Thương công bố, giám sát thủ tục hải quan theo quy định.
Bộ Tài chính còn đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood1) và các công ty thành viên ưu tiên ký hợp đồng với số lượng gạo đã trúng thầu tại các cục Dự trữ Nhà nước khu vực. Bộ Công Thương quản lý số lượng gạo được phép xuất khẩu chỉ áp dụng với gạo xuất khẩu đi nước ngoài, không áp dụng với hàng xuất khẩu tại chỗ, hàng xuất biếu tặng hay tạm nhập tái xuất, quá cảnh.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 23/3 với Chính phủ, cũng Bộ Công Thương đề xuất dừng xuất khẩu gạo tới cuối tháng 5 để đảm bảo an ninh lương thực. Đề xuất này sau đó được Thủ tướng chấp thuận. Nhưng chỉ một ngày sau, Bộ này lại đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo. Việc dừng xuất khẩu gạo đột ngột đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này. Báo cáo Thủ tướng ngày 6/4, cơ quan này tiếp tục đề nghị cho xuất khẩu 800.000 tấn gạo trở lại trong tháng 4 và 5 sau khi "tính toán kỹ".
Anh Minh