Cho ý kiến vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 7/1, đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng, đề nghị đưa dự án kết nối giao thông đoạn từ thành phố Cao Bằng đến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) vào danh mục các dự án của chương trình.
Tuyến đường kết nối này dài hơn 25 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.350 tỷ đồng và thời gian hoàn thành dự kiến trong năm 2023. Còn dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115 km đã được Thủ tướng phê duyệt, có tổng vốn đầu tư 20.900 tỷ đồng; phân kỳ giai đoạn một (2021-2025) là 13.180 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư 6.580 tỷ đồng.
Theo ông Đức, đến nay Cao Bằng đã tính toán cắt giảm 22 dự án đầu tư công, giãn tiến độ nhiều dự án khác để bố trí trên 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư tập trung cho tuyến cao tốc nhằm hoàn thành giai đoạn một trước năm 2025.
Ông cho rằng để phát huy hiệu quả của tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khi hoàn thành giai đoạn 1 thì phải có tuyến đường kết nối TP Cao Bằng với cao tốc này, nhằm giúp mở rộng không gian phát triển của tỉnh với các địa phương khác trong khu vực.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nêu ý kiến "tha thiết" đề xuất ưu tiên xây dựng tuyến cao tốc nối Biên Hòa với Vũng Tàu bằng vốn đầu tư công, thay vì đầu tư theo đối tác công tư (PPP) theo chủ trương ban đầu.
Cao tốc nối Biên Hòa với Vũng Tàu này được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP năm 2021, tổng vốn gần 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến việc thu hút các nhà đầu tư gặp khó khăn. Trong khi đó, dự án có vai trò đặc biệt quan trọng, phát huy liên kết vùng, nối các trung tâm kinh tế lớn như Bình Dương, TP HCM và Đông Nai với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Tuyến cao tốc này cũng giúp kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai, thúc đẩy kinh tế của nhiều tỉnh phía Nam. "Nếu như được đầu tư công thì giai đoạn 2021-2023 có thể hoàn thành toàn tuyến", ông Hùng nói.
Đại biểu Tô Văn Tám, Thường trực Ủy ban Pháp luật, đề nghị trong chính sách phát triển kết cấu hạ tầng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần xác định sớm hoàn thành tuyến đường cao tốc kết nối miền núi phía Bắc Tây Nguyên và miền Trung. Đơn cử quốc lộ 24 nối Bắc Tây Nguyên với miền Trung, hay tuyến đường nối Ngọc Hồi (Kon Tum) đến Gia Lai về Bình Định.
Các đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Cao đẳng Y tế Thái Bình; Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Nam Định; Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên, đề nghị trong gói cơ sở hạ tầng cần ưu tiên những tuyến cao tốc mang tính quan trọng, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế. Cụ thể, bà Luyến đề nghị Chính phủ ưu tiên vốn ngân sách xây cao tốc cho các tỉnh vùng núi phía Bắc như Bắc Kạn - Cao Bằng, Sơn La - Điện Biên...
Bà Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang, cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng Hà Giang với Tuyên Quang rất cần thiết. Hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang triển khai, vì vậy, việc đầu tư đoạn còn lại nối từ Tuyên Quang lên cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) không chỉ cho hai tỉnh này, mà còn cho cả vùng trung du miền núi phía Bắc.
Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ đề xuất có quy mô gần 340.000 tỷ đồng; trong đó dự kiến 113.830 tỷ đồng dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển; bao gồm đường cao tốc Bắc Nam và một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ.
Đề xuất nêu trên của các vị đại biểu không nằm trong 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội dành trọn ngày hôm nay để thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và dự kiến biểu quyết thông qua vào chiều 11/1.