Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, Bộ Giao thông tính suất đầu tư mỗi km đường cao tốc dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, nhưng mức 200 tỷ đồng cho mỗi km (chia trung bình toàn dự án, bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng) khiến ông băn khoăn.
"Nếu định mức kinh tế kỹ thuật không tốt, với mức đầu tư này, lại có cơ chế cho chỉ định thầu thì không ổn", ông Cường nói, đề nghị các cơ quan xem lại.
Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Quốc phòng và An ninh, đề cập việc tờ trình của Chính phủ nêu bình quân suất đầu tư hơn 175 tỷ đồng mỗi km (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước tính toán suất đầu tư bình quân 152,9 tỷ đồng mỗi km, giảm 16.330 tỷ đồng tổng vốn đầu từ toàn dự án. Vì vậy, ông An cũng đề nghị Chính phủ "xem lại cách tính toán".
Ngoài ra, theo ông An, Chính phủ đề xuất lấy hơn 72.000 tỷ đồng từ gói phục hồi phát triển kinh tế xã hội để xây cao tốc. Tuy nhiên, cần tính toán hài hòa nguồn vốn, bảo đảm đúng mục đích, vì "bản chất của việc này là lấy vốn chương trình phục hồi trong 2 năm để đầu tư cho dự án kéo dài đến năm 2025, có thể lâu hơn".
"Như vậy sẽ tạo sức ép giải ngân rất lớn cho Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải. Chúng ta cần tính toán kỹ để nguồn vốn giải ngân đúng tiến độ, tránh lệch pha đề án phục hồi kinh tế - xã hội", đại biểu An nói.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải thích, mức đầu tư nêu trên mới chỉ là khái toán, mang tính dự báo vì giai đoạn hiện nay chưa lập dự án, chưa thiết kế, chưa tính phương án đền bù. Mức bình quân đầu tư đường cao tốc là 200 tỷ đồng mỗi km, nhưng đầu tư cho từng đoạn khác nhau vì phụ thuộc vào nền đường. Nền đường Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ là không giống nhau.
"Khi lập dự toán, phê duyệt từng dự án thì Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về sự chính xác của từng dự án cũng như tổng mức đầu tư, thiết kế dự toán", ông Phớc nói, cho hay dự toán mới là mức đầu tư chính xác, còn tổng mức đầu tư nêu trên là khái toán ban đầu.
Tổng dự toán bao giờ cũng nhỏ hơn tổng mức đầu tư, và theo lý thuyết thì quyết toán phải nhỏ hơn dự toán. "Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải có thiết kế đầy đủ", ông nhấn mạnh.
Tham gia ý kiến tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong 20 năm qua Việt Nam mới làm được hơn 1.000 km đường cao tốc, mỗi năm khoảng 50 km. "Chính phủ đang cho tổng kết lại nghiêm túc để xem nguyên nhân vì sao; từ đó, tháo gỡ những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm ngân sách và đảm bảo chất lượng, chống tiêu cực, lãng phí", ông cho hay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ chủ trương dùng vốn ngân sách Nhà nước xây cao tốc để sớm triển khai và hoàn thành toàn tuyến từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.
Theo ông, các nước thường chuẩn bị đầu tư cao tốc từ 3 - 5 năm, sau đó thực hiện trong thời gian ngắn. Ở Việt Nam, công tác chuẩn bị đầu tư gấp gáp, quá trình thi công kéo dài vì bao gồm cả các khâu quy hoạch, thiết kế, chuẩn bị thi công, giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải tỏa.
Chủ tịch nước lưu ý cần chống thất thoát, lãng phí trong quá trình triển khai các dự án. Ông dẫn chứng, nhiều đơn vị đủ năng lực tài chính, năng lực thi công đã trúng thầu. Tuy nhiên, nhiều đơn vị do quan hệ nhận được một số gói thầu, sau đó bán cho trung gian như B, B', thậm chí là C, C'. Vụ án xảy ra vừa qua tại gói cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do có một số gói thầu bị "bán" như vậy, dẫn đến ảnh hưởng định mức vật tư, làm giảm chất lượng công trình.
"Đây là kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình chỉ đạo xây dựng cao tốc Bắc Nam", Chủ tịch nước nói, đề nghị làm tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát, thậm chí có thể đưa kiểm toán vào các dự án ngay từ đầu.
Trình Quốc hội tại phiên họp ngày 4/1, Chính phủ đề xuất đầu tư thêm 729 km đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025, chia thành 12 dự án thành phần, với tổng mức khoảng 146.990 tỷ đồng. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải giải thích, tổng mức đầu tư 12 dự án cao tốc theo báo cáo tiền khả thi được tính toán dựa trên dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về cấp công trình, quy mô.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải có đánh giá để điều chỉnh mặt bằng giá thị trường theo địa điểm xây dựng, bổ sung chi phí khác của dự án, đặc biệt là yếu tố biến động giá của một số vật liệu chủ yếu như vật liệu đắp, thép xây dựng, xăng dầu.