Yến cho biết đã khai báo y tế hàng ngày, cài Bluezone và VHD để quét khi được yêu cầu. "Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng tôi đến không hỏi gì tới QR code. Chỉ khi tới một siêu thị lớn, bảo vệ tại đây mới đề nghị quét mã trước khi vào", Yến kể. Khi chủ động hỏi, nhân viên các cửa hàng chỉ cô ra vị trí dán mã QR, nhưng sau đó cũng không kiểm tra lại xem cô có thực sự quét hay không.
Nhiều người dùng khác cũng phản ánh tình trạng tương tự khi đến các địa điểm công cộng. Ngọc Quân, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho biết anh thường mua đồ tại quán ăn cạnh công ty mỗi ngày. "Buổi sáng ít khách, cửa hàng tuân thủ rất đầy đủ. Nhưng đến trưa, đông khách xếp hàng, họ bận rộn và không nhắc khách quét mã nữa, trong khi đó mới là lúc có nguy cơ lây nhiễm cao", Quân kể.
Ngoài ra, không ít nơi sử dụng mã QR chưa đúng cách. Ví dụ, thay vì quét, nhân viên bảo vệ dùng điện thoại chụp ảnh mã QR của người ra vào. Một số cửa hàng cũng chỉ yêu cầu khách quét mã một lần trong ngày, trong khi thao tác này là nhằm ghi lại các mốc dịch tễ, vốn phải có đầy đủ thông tin về thời gian và địa điểm ra vào mỗi lần.
Anh Khoa, quản lý một cửa hàng cắt tóc tại Hoài Đức, cho biết không thể cắt cử nhân sự chuyên trách cho việc kiểm soát này. "Khi nhiều việc, các nhân viên phải làm những nhiệm vụ khác. Tôi chỉ còn cách dán mã QR trước cửa, và hy vọng khách tự giác quét mỗi khi ra vào", anh Khoa nói.
Nguyễn Tiến, quản lý một cửa hàng tại Thái Hà, nói dù luôn có nhân viên bảo vệ nhắc nhở, không phải khách hàng nào cũng sử dụng smartphone hay đem theo giấy tờ. Cửa hàng chọn cách ghi lại thông tin vào sổ, nhưng cũng không chắc thông tin khai báo đó có chính xác không.
Tại Hà Nội, việc quét mã QR và khai báo y tế là một trong những điều kiện tiên quyết để mở quán ăn, nhà hàng, siêu thị... Các nơi này phải tạo điểm quét mã QR để kiểm soát người ra vào. Nếu không có smartphone, người dân có thể sử dụng mã QR trên căn cước công dân hay thẻ bảo hiểm để cửa hàng quét mã.
Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết đã ghi nhận tình trạng "một số cơ sở kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát vào ra bằng quét mã QR đối với khách hàng. Ngoài ra, nhiều cơ sở có mã QR địa điểm nhưng không yêu cầu người đến quét mã".
Theo thống kê của Hà Nội, đến ngày 25/9, tổng số điểm quét QR trên toàn thành phố là hơn 389.000 điểm. Trong ngày 24/9, gần 31.000 điểm quét mới được tạo. Tuy nhiên, số điểm có hoạt động quét trong ngày là hơn 55.000, chiếm 15% trong tổng số điểm.
Thống kê trong 7 ngày trước đó, mỗi ngày có khoảng 197.940 lượt quét QR. Trung bình, mỗi người đến và đi quét khoảng 1,4 lượt. Theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, ba quận huyện có lượt quét cao gồm Thanh Trì, Đống Đa, Thanh Oai, nhưng cũng có 7 xã, phường, thị trấn không có bất cứ lượt quét nào trong ngày, thuộc các quận huyện như Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín...
'Kiên quyết xử lý cơ sở không có mã QR'
Trong cuộc giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 thành phố với Sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tuần trước, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh sẽ xử lý vi phạm với những cơ sở kinh doanh, dịch vụ không có mã QR, vi phạm quy định phòng, chống dịch. Những cơ sở không tạo mã QR địa điểm, nếu bị nhắc nhở quá ba lần sẽ bị yêu cầu dừng hoạt động đến khi tạo điểm quét QR.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, việc nới lỏng giãn cách phải đi kèm các biện pháp, trong đó áp dụng công nghệ là biện pháp quan trọng nhất. Với giải pháp quét mã QR, trong trường hợp xảy ra ca F0 ở địa điểm nào đó, cơ quan chức năng có thể truy vết các trường hợp F1 với thời gian rất nhanh.
"Tuy nhiên, để việc quét mã QR đạt hiệu quả thực chất, cần sự hợp tác của các cơ quan, đoàn thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ, và còn từ chính ý thức của người dân", ông Liêm nói.
Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết, người dân có thể dùng tính năng Gửi phản ánh trong ứng dụng Bluezone để báo cáo về các địa điểm chưa thực hiện nghiêm chỉnh việc kiểm soát người vào bằng QR.
Lưu Quý