"Mã QR là trụ cột công nghệ quan trọng đối với một quốc gia gần 100 triệu dân, nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc với smartphone", ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, chia sẻ trong tọa đàm trực tuyến ngày 14/9 trên VnExpress.
Theo ông, không phải trong đại dịch, mã QR mới phát huy tác dụng. Chính phủ đã có tầm nhìn xa khi triển khai căn cước công dân mới có gắn mã QR. Công nghệ này xem là chiến lược quan trọng để mọi người dân có thể tham gia vào đời sống số.
"Chỉ với một QR code, ai cũng có thể tương tác với các ứng dụng công nghệ cũng như cung cấp các vấn đề anh sinh qua nền tảng, ứng dụng", ông Trung nói.
Ông dẫn chứng, nhiều quốc gia đã ứng dụng thành công QR code trong chống dịch nói riêng và trong đời sống nói chung, như ở Trung Quốc, châu Âu. Theo ông, mã QR là giải pháp căn bản, giúp giảm khoảng cách số. Công nghệ được thiết kế theo tinh thần mang nhiều hàm lượng thông tin nhưng lại dễ sử dụng với tất cả người dân. Chỉ với một tờ giấy, cây bút, người dân có thể tự vẽ lại mã QR của mình để tham gia vào môi trường số.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tử Quảng, Kiến trúc sư trưởng Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, cho rằng một trong hai hệ thống quan trọng để Việt Nam chuẩn bị từng bước mở cửa an toàn trở lại là QR code, bên cạnh phần mềm phát hiện tiếp xúc gần.
Ông Quảng dẫn một thống kê cho thấy khoảng 89% những người từ F1 thành F0 là người thân cận với F0 gốc, như người nhà, đồng nghiệp... Nhưng 11% còn lại rất khó, do họ có thể tiếp xúc ở nơi công cộng. Thách thức lớn nhất với đội ngũ chống dịch thời gian tới là làm sao phát hiện được 11% này. "Lúc này, hệ thống QR code sẽ đặc biệt quan trọng. Sắp tới, khi vào trạng thái bình thường mới, các cơ quan công sở, địa điểm công cộng đều phải quét mã QR để hệ thống ghi nhận được người dân đã đến đó vào thời gian nào. Thao tác quét cũng rất đơn giản, ai cũng làm được", ông Quảng cho hay.
Dù dễ dùng và có thể ứng dụng linh hoạt, mặt trái là có quá nhiều mã QR được tạo ra. Một người dân có thể phải lưu 5 - 7 mã QR cho các ứng dụng, mục đích khác nhau. Lý giải về điều này, hồi tháng 7, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế, cho biết bản thân mỗi mã QR có những nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ, mã QR trên căn cước công dân, BHYT chứa nhiều thông tin nghiệp vụ, còn mã QR phòng chống dịch lại đơn giản, chỉ có thông tin định danh để hỗ trợ truy vết, xác định người dân liên quan thế nào đến ca lây nhiễm.
Việc thống nhất, chuẩn hoá mã QR trong chống dịch đang được Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh triển khai. "Người dân chỉ cần dùng một mã QR thống nhất giữa các ứng dụng và đi đâu cũng sẽ thông suốt. Từ góc độ cơ quan chính quyền, chúng tôi luôn mong muốn tạo ra giải pháp đơn giản, giảm thủ tục tối đa cho người dân", ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, chia sẻ trong tọa đàm trực tuyến của VnExpress ngày 24/8.
Ngày 14/9, TP HCM cũng bắt đầu thí điểm cấp mã QR cho người dân ở quận 7, Củ Chi, Cần Giờ qua ứng dụng Y tế HCM để kiểm soát việc đi lại, tham gia hoạt động sản xuất an toàn sau ngày 15/9. Theo đó, người dân ở những khu vực này được cấp một mã QR trên ứng dụng di động. Người không có smartphone sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại hoặc được cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ. Mã chứa thông tin khai báo y tế, lịch sử tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm và thông tin theo dõi sức khỏe F0 tại nhà.
Khương Nha