Đọc nhiều bài viết về sự lo lắng của cha mẹ khi có con chuẩn bị vào lớp 1 nên tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm có thể giúp cho phụ huynh yên tâm hơn.
Hồi con gái đầu vào lớp 1, tôi còn trẻ nên thiếu kinh nghiệm, cứ tin vào những lời khuyên không cho con học chữ trước. Trong 3 tháng đầu nhập học, con cũng học bình thường như các bạn, nhưng từ tháng thứ 4, thứ 5 bé tỏ ra đuối sức, không theo kịp các bạn.
Nhưng tôi thật sự lo lắng và hoảng hốt khi cô giáo gặp riêng tôi và nói rằng bé hoàn toàn không theo kịp chương trình. Tôi thật ngạc nhiên vì con gái mình lúc đó thật thông minh, lanh lợi. Sau buổi nói chuyện với cô giáo, tôi tìm gặp và trao đổi với các phụ huynh cùng lớp để hiểu tường tận sự việc.
Có một phụ huynh mà tôi nhớ những lời của cô ta đã gây ấn tượng cho tôi đến bây giờ. Cô nói với giọng buồn bã và uất ức "chị nghĩ sao khi cô giáo nói con em phát triển không bình thường, không thể học chữ ".
Sau đó tôi tìm thấy lời đáp "tất cả các em chưa biết đọc và viết trước khi nhập học đều không theo kịp chương trình ". Tôi lo lắng, chạy đôn chạy đáo tìm cô giáo về dạy kèm cho con, bé phải học 5 buổi/ tuần. Bé học ở trường ban ngày, ban đêm học thêm ở nhà.
Chúng tôi biết như vậy là quá sức cho đứa bé gần 6 tuổi, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. May mắn sau 3 tháng học, bé cũng theo kịp chương trình với kết quả tốt.
Còn tôi, sau một năm nhìn lại quá trình học tập vất vả của con, tôi thấy buồn khi nhận ra sai lầm của mình. Từ đó tôi rút đựơc nhận xét "chương trình học cho trẻ bắt đầu vào lớp 1 quá nặng, vì vậy nếu không học trước, trẻ không thể nào theo kịp".
Chính vì hệ luỵ trên, nên đa phần cha mẹ gửi con cho cô giáo dạy trước. Cha mẹ thì nhẹ gánh, nhưng có mấy ai nghĩ rằng gánh nặng này lại chuyển cho con. Trẻ còn nhỏ phải ngồi một chỗ vài tiếng để học, bàn tay bé xíu phải gồng cây bút để viết bài. Thời gian vui chơi của bé đâu còn nữa.
Theo quan điểm của mình, tôi thấy cách làm hợp lý nhất là cha mẹ nên dạy con học, vì cha mẹ là người hiểu con nhất, chỉ có cha mẹ là dạy con tốt nhất. Dạy con theo cách vừa học vừa chơi, lúc nào trẻ thích thì học, nhưng cha mẹ phải kiên trì và cần thời gian, dài ngắn tuỳ từng trẻ khác nhau.
Khi bé thứ 2 chuẩn bị vào lớp lá, tôi bắt đầu dạy con học. Mỗi buổi sáng trước khi chở các con đến trường, tôi chuẩn bị một tờ giấy nhỏ và dùng cây bút lông có màu con thích, viết vào đó 2 chữ cái, rồi cho con cầm trên tay. Trên đường đến trường, tôi thấy bé thường xuyên nhìn vào 2 chữ cái trên tờ giấy . Đến trường, tôi dành 5-10 phút vừa dạy con đọc vừa cho con chơi ở sân trường.
Cứ hết 2 chữ cái này là hôm sau có 2 chữ cái mới. Rồi cứ học 2 chữ mới, tôi cho ôn lại 2 chữ cũ. Về nhà tôi dán 2 chữ cái mới học ở nơi bé dễ nhìn nhất. Tôi giữ lại tất cả những tờ giấy có chữ cái để thường xuyên ôn luyện cho bé. Cứ kiên nhẫn ngày qua ngày, hết bảng chữ cái, tôi dành một khoảng thời gian dài để ôn lại cho tới chừng nào bé thật sự thông thạo. Lúc này tôi bắt đầu dạy bé ghép vần... kiên nhẫn, vừa học vừa chơi, cho đến khi gần kết thúc năm lớp lá là bé đã đọc chữ được. Lúc này tôi bắt đầu mua những quyển truyện ngắn có tranh ảnh đẹp cho bé tập đọc.
Mục tiêu của tôi chỉ là giảm gánh nặng cho bé chứ không dạy toàn bộ chương trình học. Nên tôi chỉ dạy bé đọc, tôi cũng tự học cách phát âm giống như giọng người Hà Nội để dạy bé chính xác. Còn viết và làm toán thì cần nhiều kỹ thuật hơn, nên tốt nhất là để việc này cho cô giáo khi trẻ vào lớp 1.
Tranh thủ mỗi sáng đến trường, tôi nhắc bé đọc chữ trên các bảng hiệu hai bên đường để nhận biết nhiều kiểu chữ khác nhau và tranh thủ đọc số ở bảng số xe phía trước.
Mỗi ngày dạy con đọc 10 phút, kiên nhẫn vài tháng nhưng kết quả thật mỹ mãn. Bé con tôi đã biết đọc thông thạo, còn có thời gian vui chơi thoải mái, không gặp bất cứ trở ngại nào trong suốt năm lớp 1, còn tôi vui với thành quả mình đạt được.
Cha mẹ là người hiểu con nhất, nên dạy con tốt nhất, đặc biệt là thời gian bé chuẩn bị vào lớp 1. Dù bận việc đến đâu, nhớ cho con 10 phút mỗi ngày, kiên trì, nhất định sẽ thành công. Tình yêu thương và sự kiên nhẫn của cha mẹ là chìa khoá thành công trong việc nuôi dạy con trẻ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.