Trung Quốc và Nhật Bản đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý các cuộc khủng hoảng ngoại giao của họ nhưng những căng thẳng leo thang gần đây liên quan đến vấn đề Đài Loan và tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông đang tạo ra thách thức mới cho hai gã khổng lồ quyền lực nhất châu Á.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản hồi tháng trước xác định Trung Quốc là một mối đe dọa chung cũng như cuộc gặp mặt giữa các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ và Trung Quốc ở Alaska cho thấy căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang thúc đẩy Nhật Bản xích lại gần hơn về phía Mỹ vì tầm quan trọng chiến lược của nước này đối với khu vực, giới chuyên gia nhận định.
"Việc Nhật Bản đồng tình với Mỹ xác định Trung Quốc là mối đe dọa chung trong các cuộc đối thoại 2+2 là một động thái bất thường", Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí quốc phòng Kanwa Defence Review, trụ sở ở Canada, nhận xét về cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng Nhật - Mỹ.
Nhật Bản lâu nay vẫn hạn chế bình luận về Đài Loan, thay vào đó, họ thường xuyên "khuyến khích đối thoại để tìm ra giải pháp hòa bình cho căng thẳng xuyên eo biển". Hành động này bắt nguồn từ thực tế rằng Tokyo không muốn mạo hiểm với những hệ quả khi chọc giận một Bắc Kinh đang trỗi dậy mạnh mẽ, theo Chang.
Nhưng trong một tuyên bố chung hôm 17/3, các lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã thống nhất sẽ hợp tác chặt chẽ trong trường hợp có xung đột quân sự nổ ra ở eo biển Đài Loan.
Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo đưa tin Tokyo đang cân nhắc phương án điều động Lực lượng Phòng vệ (SDF) bảo vệ các tàu và máy bay Mỹ nếu khủng hoảng giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan bùng phát với lý do rằng một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan sẽ ảnh hưởng tới an toàn của các công dân Nhật.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết.
Với tuyên bố trên, Nhật Bản là thành viên đầu tiên trong nhóm Bộ Tứ khẳng định sẵn sàng hợp tác với Mỹ đối phó với những tình huống khẩn cấp tiềm tàng ở eo biển Đài Loan.
Hệ quả là động thái này đã làm gia tăng thế đối đầu giữa quân đội Trung Quốc (PLA) và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) gần quần đảo Senkaku, hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc, nơi Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, Cheung Mong, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Tự do Quốc tế thuộc Đại học Waseda, Nhật Bản, cho rằng Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sẽ không để SDF tham gia vào bất kỳ xung đột nào với PLA.
"Đóng góp lớn nhất của SDF có thể là hỗ trợ hậu cần cho đối tác Mỹ theo cam kết trong hướng dẫn hợp tác quốc phòng sửa đổi năm 1997", ông nói. "Suga hiểu rằng SDF không thể đánh bại PLA".
Quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tokyo rơi xuống mức thấp nhất dưới thời cựu thủ tướng Nhật Naoto Kan, khi một tàu cá Trung Quốc và hai tàu tuần tra thuộc biên chế lực lượng tuần duyên Nhật Bản va chạm gần biển Hoa Đông hồi tháng 9/2010. Căng thẳng lãnh thổ được xoa dịu sau khi thủ tướng Shinzo Abe và đảng Dân chủ Tự do (LDP) lên nắm quyền hồi năm 2012 và sau chuyến thăm của thủ tướng Abe tới Trung Quốc năm 2018.
Nhưng rạn nứt đã xuất hiện trở lại, khởi đầu bằng việc Nhật dẫn dắt đưa ra tuyên bố chung từ các ngoại trưởng G7 hồi tháng 6 năm ngoái, lên án hành động của Trung Quốc đối với những người ủng hộ dân chủ tại Hong Kong.
Hình ảnh Trung Quốc trong mắt người dân Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Một nhà ngoại giao Nhật Bản giấu tên cho hay công chúng nước này đã rất giận dữ vì cho rằng chính quyền Trung Quốc thiếu minh bạch, khiến dịch bệnh lây lan toàn cầu.
"Nhật đã phải chịu một đòn giáng nặng nề vì Covid-19, không chỉ vì Olympics bị trì hoãn mà còn vì hy vọng khôi phục kinh tế bị dập tắt", ông này cho hay.
Trong lúc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan bận rộn khôi phục các liên minh cũ trong khu vực, chuyên gia về hàng hải Ni Lexiong ở Thượng Hải cho rằng xu hướng này sẽ làm suy yếu thêm ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng mang lại cho Nhật Bản nhiều cơ hội phát triển hơn.
"Hợp tác với Mỹ để chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ giúp Nhật đẩy nhanh quá trình bình thường hóa quân đội thông qua nâng cấp khả năng tấn công dưới sự trợ giúp từ đồng minh Mỹ", Ni bình luận.
Năm 2019, nội các Nhật Bản thông qua kế hoạch mua sắm vũ khí trị giá 240 tỷ USD trong 5 năm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và không kích đối phó với sức mạnh trên không và trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hồi tháng ba cho biết nhập khẩu vũ khí của Nhật đã tăng 124% trong 5 năm qua.
Theo phó giáo sư Cheung từ Đại học Waseda, Nhật Bản luôn lo sợ bị Mỹ bỏ rơi kể từ sau khi cố tổng thống Mỹ Richard Nixon tới thăm Trung Quốc vào năm 1972 mà không thông báo cho Tokyo.
Điều này đã khiến Nhật Bản phải học cách đối phó với những tình huống khó xử khi đứng giữa đất nước hùng mạnh nhất thế giới và người hàng xóm khổng lồ của mình.
Để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, Cheung đánh giá Thủ tướng Suga sẽ tiếp tục chính sách bảo hiểm rủi ro của người tiền nhiệm Abe nhằm tránh "bị bỏ rơi" bởi Mỹ nhưng đồng thời không "bị cuốn vào" một cuộc xung đột quân sự giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.
"Về quốc phòng, Nhật Bản phải dựa vào Mỹ bởi liên minh của họ nhưng về kinh tế, Tokyo có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc", Cheung nhận xét.
Trung Quốc đã nhập 141,6 tỷ USD hàng hóa Nhật Bản trong năm 2020, thay thế Mỹ trở thành khách hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này.
"Có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Trung - Nhật hiện tại sẽ được xoa dịu. Nếu Bắc Kinh và Tokyo có thể quản lý các tranh chấp lãnh thổ một cách hợp lý, căng thẳng sẽ được giảm bớt bởi đảng LDP rất khéo léo trong cách chính sách đối phó với Trung Quốc", phó giáo sư Cheung bình luận. "LDP có Nikai Toshihiro, một chính trị gia lão luyện được mô tả là người 'thân Trung Quốc nhất' do các mối quan hệ cá nhân của ông với giới lãnh đạo Trung Quốc. Toshihiro sẽ là một đầu mối hiệu quả giúp Suga hàn gắn rạn nứt với Trung Quốc".
Tuy nhiên, làm thế nào để xoa dịu thái độ tiêu cực của người dân Nhật Bản đối với Trung Quốc vì đại dịch Covid-19 lại là một câu hỏi khó khác đối với giới lãnh đạo cả hai nước.
Khi Ủy ban Olympic Quốc tế thông báo quyết định chấp nhận lời đề nghị cung cấp vaccine Covid-19 của Trung Quốc cho những người tham dự Thế vận hội mùa Hè và mùa Đông, Nhật Bản đã ngay lập tức đáp lại bằng một lời từ chối.
Thay vào đó, Nhật Bản tham gia cùng ba thành viên còn lại trong nhóm Bộ Tứ là Mỹ, Ấn Độ và Australia để thúc đẩy lời hứa cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 trên khắp châu Á vào cuối năm 2022 nhằm chống lại sáng kiến ngoại giao vaccine của Bắc Kinh.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)