Bộ Quốc phòng Nhât Bản hôm 27/12 công bố kế hoạch mở rộng căn cứ đồn trú trên đảo Yonaguni và triển khai một đơn vị tên lửa phòng không đến đây trong năm 2023. Cơ quan này cũng thông báo mua 18 hecta đất trên đảo để triển khai công trình quân sự, trong đó có kho chứa vũ khí, nhưng không tiết lộ chi phí.
"Chúng tôi sẽ hạn chế nguy cơ đất nước bị tấn công bằng cách tăng cường sức mạnh răn đe và khả năng phản ứng với những cuộc tập kích ở khu vực tây nam", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kenji Aoki cho hay.
Chủng loại và số lượng tên lửa triển khai đến đảo Yonaguni chưa được công bố.
Đảo Yonaguni nằm ở cực tây lãnh thổ Nhật Bản, cách đảo Đài Loan và nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khoảng 110-150 km. Một tên lửa đạn đạo Trung Quốc từng rơi xuống vùng biển cách đảo Yonaguni khoảng 80 km về phía tây bắc khi Bắc Kinh tập trận quy mô lớn nhằm phản ứng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến đảo Đài Loan hồi tháng 8.
Căn cứ trên đảo Yonaguni được thành lập từ năm 2016 với khoảng 200 binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất và Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản. Họ có nhiệm vụ giám sát hoạt động của máy bay và tàu thuyền ở khu vực tây nam Nhật Bản, cũng như sẵn sàng tiến hành các biện pháp chế áp điện tử nhằm vào lực lượng đối phương.
Chính phủ Nhật Bản tuần trước thông báo sẽ chi 51,7 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2023, tăng 26,3% so với cùng kỳ trước đó, đánh dấu đợt tăng cường nguồn lực quân sự lớn nhất của nước này kể từ sau Thế chiến II.
Trong ngân sách quốc phòng này, Tokyo sẽ phân bổ 6,7 tỷ USD cho phát triển và mua sắm vũ khí, nhiều hơn 4 năm trước cộng lại. Gần một nửa trong số này sẽ dành cho dự án phát triển tên lửa tầm xa thế hệ mới, cùng 1,6 tỷ USD để mua tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ để rút ngắn thời gian biên chế và cải thiện năng lực răn đe.
Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Nhật Bản phần lớn ủng hộ bước thay đổi này, nhưng chúng vẫn có thể gây tranh cãi vì hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản không chính thức công nhận quân đội và chỉ giới hạn hoạt động của quân đội trên danh nghĩa ở khả năng tự vệ.
Các tài liệu về cải tổ năng lực quốc phòng được Nhật Bản công bố hồi giữa tháng mô tả Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất từ trước đến nay đối với việc đảm bảo hòa bình và ổn định của Nhật Bản".
Vũ Anh (Theo Reuters)