Tuyên bố được tân Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đưa ra trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin Jr. hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong thông báo ngày 13/12.
"Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa bày tỏ phản đối mạnh mẽ nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông bằng vũ lực", thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines có đoạn
Ông Hayashi Yoshimasa cũng ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), trong đó tuyên bố yêu sách "quyền lịch sử" và "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương đưa ra để đòi yêu sách chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Locsin cho biết Philippines "trân trọng tuyên bố của Nhật Bản ủng hộ phán quyết PCA và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở Biển Đông".
Cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng Nhật Bản và Philippines diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông leo thang. Philippines cáo buộc ba tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 16/11 chặn đường hai tàu tiếp tế chuyển hàng cho binh sĩ đồn trú trái phép trên xác tàu BRP Sierra Madre tại bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana sau đó bày tỏ phản đối với đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Hoát Liên. Sau cuộc trao đổi giữa Lorenzana với đại sứ Hoàng, Philippines ngày 22/11 tiếp tục điều hai tàu tiếp vận quay lại bãi Cỏ Mây và tiếp tế cho các binh sĩ trên xác tàu Sierra Madre mà không bị hải cảnh Trung Quốc cản trở.
Hải quân Philippines năm 1999 cho ủi tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre lên bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau đó triển khai nhóm nhỏ binh sĩ đồn trú trái phép tại đây. Các binh sĩ này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo hôm 18/11 tái khẳng định lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vấn đề Biển Đông.
"Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Hằng tuyên bố.
Nguyễn Tiến (Theo Manila Bulletin)