Nạn nhân bom nguyên tử Mỹ ở Hiroshima tự lết tới bệnh viện (1945)
"Chúng tôi bắt đầu ra ngoài, nhưng sau 20 hoặc 30 bước, tôi phải dừng lại. Hơi thở của tôi ngắn lại, tim tôi đập mạnh, và đôi chân ngăn bước tôi. Cơn khát cồn cào đuổi theo tôi và tôi cầu xin Yaeko-san tìm cho tôi ít nước. Nhưng không thấy nước ở đâu. Sau một lúc, sức mạnh của tôi trở lại nhờ cách nào đó, và chúng tôi có thể tiếp tục đi.
Tôi vẫn trần truồng, và dù không cảm thấy chút xấu hổ nào, tôi thấy buồn phiền khi nhận ra rằng sự nhũn nhặn đã bỏ tôi. ... Bước tiến của chúng tôi tới bệnh viện chậm tới mức dường như kéo dài vô tận, cho đến khi chân tôi cứng đờ vì máu đã khô, từ chối đưa tôi tiến xa hơn. Sức mạnh, và thậm chí cả nguyện vọng để đi tiếp, bỏ rơi tôi, vì vậy tôi bảo vợ đi một mình. Cô cũng đang bị thương nặng như tôi. Cô ấy phản đối điều này, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Cô phải tiến về phía trước để tìm ai đó rồi quay lại vì tôi".
Ngày 6/8/1945, một quả bom nguyên tử phát nổ ở trung tâm Hiroshima, làm khoảng một phần tư dân số thiệt mạng, và khiến những người còn sống phơi nhiễm phóng xạ ở mức nguy hiểm. Khi quả bom rơi xuống, một nhân viên bệnh viện có tên Michihiko Hachiya đang nằm ở nhà, cách trung tâm vụ nổ khoảng 1,5 km. Cuốn nhật ký của Michihiko được xuất bản năm 1955, trong đó kể lại trải nghiệm của ông vào ngày này.
Đoạn trích trên mô tả hành trình ngắn của Michihiko tới bệnh viện, chỉ vài phút sau vụ nổ. Áp lực của vụ nổ xé toạc quần áo khỏi thân thể ông, khiến toàn bộ phần bên phải của ông bị cháy và có những vết thương nghiêm trọng. "Cơn khát cồn cào" mà Michihiko mô tả là hệ quả trực tiếp của việc mất dịch cơ thể vì những vết bỏng nặng.
Cả Michihiko và vợ ông đều may mắn sống sót. Khu vực họ sống trong thành phố có tỷ lệ tử vong 27%. Chỉ cần lùi vào 0,8 km gần khu vực gần trung tâm vụ nổ hơn, tỷ lệ tử vong đã lên tới 86%.
Dù một số nhà sử học cho rằng các vụ ném bom nguyên tử vào Nhật là cần thiết, nhằm buộc nước này đầu hàng, lời kể của những nhân chứng như Michihiko đem đến bức tranh rõ ràng hơn về việc vì sao không nên sử dụng vũ khí hạt nhân thêm một lần nữa.
Nữ sinh chứng kiến vụ không kích Trân châu Cảng (1941)
"Tôi bị một tiếng nổ từ Trân châu Cảng đánh thức lúc 8 giờ sáng. Nhổm dậy, tôi nghĩ điều gì đó thú vị có thể đang diễn ra ở đó. Nào ngờ! Khi tôi tới nhà bếp, cả gia đình, trừ Pop, đang nhìn ra Trân châu Cảng. Nó đang bị khói đen và những vụ nổ khủng khiếp nuốt chửng... Rồi tôi cảm thấy hết sức lo lắng, như tất cả mọi người.
Mẹ và tôi ra ngoài hành lang phía trước để được nhìn kỹ hơn, và ba máy bay kêu vù vù trên đầu chúng tôi, gần đến nỗi chúng tôi đã có thể chạm vào chúng. Chúng có những vòng tròn đỏ trên cánh. Khi đó chúng tôi mới hiểu! Lúc đó, bom bắt đầu được thả xuống khắp Hickam. Chúng tôi đứng bên cửa sổ, không biết làm gì, và nhìn pháo hoa.
Cảnh như thể phim tài liệu về châu Âu, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Chúng tôi thấy một nhóm binh sĩ chạy hết tốc lực từ doanh trại về phía chúng tôi, và ngay sau đó, một loạt bom rơi xuống đằng sau họ, khiến tất cả ngã xuống đất. Chúng tôi ngập trong một đám mây bụi và phải chạy xung quanh đóng hết tất cả cửa sổ. Cùng lúc đó, một nhóm lính phải vào garage nhà chúng tôi để ẩn nấp. Họ hoàn toàn bất ngờ và hầu hết thậm chí còn chẳng có súng hay bất cứ thứ gì".
Trận đánh bom Trân châu Cảng của lực lượng phát xít Nhật hồi tháng 12/1941 biến hai cuộc xung đột khu vực đang diễn ra ở châu Âu và Trung Quốc thành một cuộc chiến tranh thế giới.
Cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào căn cứ hải quân Mỹ ở bờ biển phía nam đảo Oahu, Hawaii làm 2.403 người Mỹ thiệt mạng, và là "chất xúc tác" khiến Mỹ tham chiến. Khu vực xung quanh Trân châu Cảng không chỉ dành riêng cho binh sĩ, mà là nơi sinh sống của các gia đình họ cùng người dân đảo. Đoạn nhật ký trên do một nữ sinh trung học phổ thông 17 tuổi có tên "Ginger" viết. Ginger sống tại Hickam Field, rìa phía đông của căn cứ Trân châu Cảng.
Đoạn nhật ký thể hiện cơn sốc cuộc tấn công gây ra. Người Nhật chưa tuyên chiến khi thả những quả bom đầu tiên, do đó điều này lý giải nguyên nhân các binh sĩ chưa sẵn sàng, theo lời kể của Ginger. Cuộc tấn công kéo dài chỉ 90 phút nhưng phá hủy cả một khu vực quan trọng của căn cứ.
Giáo sĩ quân đội Anh lượm xác lính xe tăng (1944)
"Bước đi, tìm những chiếc xe tăng cháy. Chỉ còn tro và kim loại cháy trong xe tăng của Birkett. Tìm trong đống tro và phát hiện những chiếc xương chậu. Tại những chiếc xe tăng khác, ba thi thể vẫn ở trong. Không thể kéo những thi thể ra sau một hồi vật lộn - công việc ghê tởm - phát ốm".
Nhật ký của Đức cha Leslie Skinner ghi lại trải nghiệm của ông trong cuộc xung đột tàn khốc ngay sau các cuộc đổ bộ trong trận Normandie. Skinner không phải là lính chiến đấu, mà là một linh mục, được phân công làm giáo sĩ quân đội cho trung đoàn xe tăng Sherwood Rangers Yeomanry. Là giáo sĩ đầu tiên đổ bộ ngày 6/6 (D-Day), ông bị thương nặng vì vỏ đạn pháo, nhưng nhanh chóng trở về tiền tuyến và ở cùng trung đoàn suốt chiến dịch ở tây bắc Âu. Công việc của Skinner là xoa dịu tinh thần bằng tôn giáo và thực hiện những nghi lễ cuối cùng cho binh sĩ. Một phần công việc của ông là lượm xác người chết để chôn cất cho đúng nghi thức.
"Công việc đáng sợ khi phải nhặt những mảnh thi thể, tập hợp lại để xác định danh tính và đắp chăn để chôn. Không có bộ binh giúp đỡ.... Thực sự cảm thấy phát ốm - nôn mửa".
Cha Skinner gửi cuốn nhật ký của ông tới bảo tàng Chiến tranh Đế quốc năm 1991. Ông qua đời 10 năm sau đó, ở tuổi 89.
Phi công cảm tử Nhật giằng xé nội tâm (1945)
"Thành thực mà nói, tôi không thể nói nguyện ước hy sinh vì hoàng đế là thật, xuất phát từ trái tim. Tuy nhiên, số phận đã định đoạt rằng tôi phải chết vì hoàng đế. Tôi sẽ không sợ khoảnh khắc của cái chết. Nhưng tôi sợ cái cách nỗi sợ chết sẽ làm xáo trộn cuộc sống của mình...
Kể cả khi cuộc sống ngắn ngủi, vẫn có nhiều kỷ niệm. Với những người có một cuộc sống tươi đẹp, thật khó để chia lìa nó. Nhưng tôi đã đến thời điểm không còn đường lui. Tôi phải lao xuống tàu quân địch. Khi công tác chuẩn bị cho chuyến cất cánh đã gần kề, tôi cảm thấy áp lực nặng nè đè lên mình. Tôi không nghĩ mình có thể nhìn thẳng vào cái chết... Tôi đã cố gắng hết sức để trốn thoát nhưng không thành. Vì vậy, khi giờ đây, không còn lựa chọn khác, tôi phải can đảm".
Trong hình dung chung, những phi công máy bay Kamikaze của Nhật là những kẻ cuồng tín, theo chủ nghĩa đế quốc, sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Dù điều này có thể đúng trong một số trường hợp, những phi công khác lại có câu chuyện rất khác. Một trong những câu chuyện như thế thuộc về Hayashi Ichizo, một sinh viên Nhật nhập ngũ năm 1943 ở tuổi 21.
Hồi tháng 2/1945, Hayashi nhận nhiệm vụ làm phi công cảm tử. Chỉ một tháng trước đó, phi công này bắt đầu viết nhật ký.
Giống như nhiều sinh viên, Hayashi nhập ngũ mà không được huấn luyện, không biết chắc về vai trò của Nhật trong chiến tranh. Dù gia đình phản đối cuộc chiến, Hayashi không có cách nào để trốn tòng quân. Vào cuối cuộc chiến tranh, nhiều sinh viên trở thành "Tokkotai", phi công cảm tử. Đa số đều dưới 25 tuổi. Phi công trẻ nhất từng được ghi nhận là Yukio Araki (trong ảnh), mới 17 tuổi.
Về công khai, tất cả phi công đều tự nguyện, nhưng thực tế, nhiều người về cơ bản bị ép.
Cuốn nhật ký của Hayashi cho thấy những tâm tư triền miên về tình thế của bản thân. Nội tâm nam phi công rõ ràng bị giằng xé giữa tinh thần yêu nước và tình yêu với gia đình, những người anh biết sẽ không bao giờ được gặp lần nữa. Nhiệm vụ cảm tử của anh được hoàn thành ngày 12/4/1945, 5 tháng trước khi Nhật đầu hàng.
Trọng Giáp (Theo Listverse)