Một số nhà sử học đánh giá hoạt động của đội ngũ này góp phần rút ngắn thời gian chiến tranh từ hai đến 4 năm, theo Tech Republic. Dưới đây là những chia sẻ về công việc phá mã hàng ngày của họ trong Thế chiến II.
Cô gái phá mã
Bà Ruth Bourne vừa tốt nghiệp thì được tuyển dụng làm việc cho GC&SC tại trụ sở chính ở lâu đài Bletchley Park, Milton Keynes, Buckinghamshire. Công việc hàng ngày của bà là phá giải mật mã các thông điệp quan trọng mà quân phát xít gửi đi.
Lâu đài Bletchley Park ngày nay được cả thế giới biết đến là nơi nhà toán học Alan Turing sáng chế ra phương pháp kết nối các máy giải mã lại với nhau để tạo thành bộ bombe, máy điện - cơ có khả năng tìm ra quy tắc mã hóa cài đặt cho máy Enigma của Đức Quốc xã.
Enigma là một loại máy có hệ thống đĩa quay dùng để tạo mật mã và giải mã các thông tin cơ mật do kỹ sư Đức Arthur Scherbius phát minh vào giai đoạn cuối Thế chiến I. Máy sau đó được quân đội nhiều quốc gia, đặc biệt là Đức Quốc xã, sử dụng trong Thế chiến II. Máy có thể mã hóa một thông điệp theo hàng tỷ cách khác nhau. Thêm vào đó, cứ sau một ngày, quy tắc lại thay đổi.
Bởi thành tựu mà Turing đạt được quá lớn nên đôi lúc người ta quên đi những cống hiến của 7.000 phụ nữ làm việc cho GC&CS. Họ từng góp phần giải mã hàng triệu thông điệp của phát xít Đức, đem về những thông tin tình báo quý giá, đủ sức thay đổi cục diện cả một chiến dịch.
Chính tầm quan trọng của việc nắm bắt trước kế hoạch của đối phương thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu chế tạo ra loại máy có khả năng phá mã ở tốc độ cao như bombe. Nhưng thực tế, vận hành những cỗ máy này, nhất là đối với một thiếu nữ vừa tròn 18 tuổi như bà Bourne lúc đó, không hề tuyệt vời như nhiều người vẫn tưởng, bà cho hay.
"Đứng trước một cỗ máy 8 tiếng mỗi ngày thì chẳng còn gì thú vị cả", bà Bourne nói.
Tuy nhiên, công tác phá mã, việc làm như một thói quen thường ngày của bà Bourne, đóng vai trò tối quan trọng, giúp phe Đồng minh nhiều phen chuyển bại thành thắng trên chiến trường.
Tại lâu đài Bletchley Park, những người phá mã trung bình được giao từ 2.000 đến 6.000 tin nhắn mỗi ngày, được viết bằng cả tiếng Đức, Italy, Nhật Bản và Trung Quốc.
Bourne là thành viên của đơn vị Nữ hải quân Hoàng gia Anh (Wrens), hàng ngày chuẩn bị cài đặt thông số cho các máy giải mã bombe. Nếu được thiết lập tốt, những máy này sẽ cho ra thông tin chính xác và nhanh hơn.
"Chúng tôi phải giải mã tới hàng nghìn thông điệp", bà cho hay. "Cứ sau 24 tiếng mật mã bảo vệ lại biến đổi, vì thế yếu tố thời gian và tính chính xác phải được tuyệt đối đảm bảo".
"Chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn. Bạn không cần thiết phải là một nhà khoa học tên lửa nhưng bạn phải chính xác 125%", bà Bourne nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Bourne, người vận hành máy bombe có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Họ phải điều khiển máy 24/24, chia làm ba ca. Họ thậm chí vẫn phải làm việc lúc nghỉ giữa giờ.
"Bạn có khoảng nửa tiếng để dùng bữa", bà Bourne kể. "Các máy bombe được đặt trong một tòa nhà kiên cố rào bằng dây thép gai và có lính canh gác. Bạn phải lao nhanh ra khỏi đó, chạy một mạch đến canteen, lấy suất ăn và tức tốc quay về vị trí để người thế chỗ lúc bạn vắng mặt được đi ăn".
Người lắng nghe
Patricia Davies cũng từng là thành viên của Wrens. Bà cùng nhiều đồng nghiệp dành hàng giờ mỗi ngày suốt giai đoạn Chiến tranh Thế giới II tại một ngôi nhà nằm trên mỏm đất gần Dover, nhìn ra Kênh Anh, để nghe lén và ghi lại những thông tin tưởng như vô nghĩa bắt được qua sóng phát thanh.
Những thông điệp này chắc chắn không gửi tới bà Davies mà được chuyển tới các căn cứ tàu ngầm Đức bên bờ biển phía tây Pháp hay đến các chiến hạm đang hoạt động trên biển Baltic.
Tập hợp những ký tự không tuân theo một trình tự nào mà bà phải nghe chính là các đoạn tin nhắn của quân phát xít được máy Enigma mã hóa. Sau khi chép lại các tổ hợp này, bà Davies sẽ gửi chúng thông qua máy chữ điện báo cho đội phá mã tại lâu đài Bletchley Park.
"Tất cả chúng tôi ngồi trên một hàng ghế dài, đối diện với những máy thu sóng vô tuyến và dò tìm tần số mà hải quân Đức sử dụng", bà Davies chia sẻ. "Thật tuyệt vời nếu bạn tìm được một tin nhắn rõ ràng và biết rằng đó là thông tin quan trọng".
Tuy nhiên, cũng có lúc cả ngày làm việc của bà Davies không đem lại kết quả nào. "Điều khó chịu nhất khi làm công việc này là cảm giác thất vọng khi bạn biết rõ rằng tàu chiến của đối phương đang gửi đi thông điệp nào đó. Bạn cố gắng để tìm hiểu nhưng nó đã bị bóp méo và cứ thế biến mất dần".
Nhưng ngay cả khi phải gửi đi các tin nhắn bị cắt xén, tính chính xác vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Những người truyền tin Đức thường nói 4 từ một lần. Nếu người nghe lén bỏ sót dù chỉ một từ họ sẽ không bao giờ đoán được ý nghĩa của thông điệp, bà Davies cho hay. "Dù vậy bạn không bao giờ được phép bịa ra thông điệp", bà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các mệnh lệnh phía Đức phát đi còn được truyền tải bằng các mã Morse. Những tiếng bíp dài ngắn khác nhau mà bà Davies phải nghe 70 năm trước đến nay vẫn thường xuyên vang lên trong đầu người phụ nữ đã ngoài 90 tuổi.
Từ trạm nghe lén, bà Davies thường xuyên chứng kiến cảnh những đoàn tàu của Anh chạy đạn pháo phát xít Đức trên dòng Kênh Anh. Hỏa lực dữ dội tới mức từng có thời người ta gọi khu vực này là Góc Địa ngục, Davies cho hay.
Nhưng điều khiến bà Davies nhớ nhất, hơn cả những đợt dội bom, nã pháo ác liệt ngay trên đầu, là chuỗi ngày bà thực hiện nhiệm vụ xác định vị trí tàu ngầm U-boat của Đức tại một trạm chuyên biệt.
Phe phát xít sử dụng loại tàu ngầm này để đánh chìm tàu buôn từ Mỹ tới Anh nhằm cắt đứt nguồn cung thực phẩm và trang thiết bị cho quân đội Anh.
Trong một dịp hiếm có tàu ngầm U-boat nổi lên mặt nước để liên lạc với căn cứ. Các nhân viên tại trạm của bà Davies phải ngay lập tức tận dụng cơ hội này để tìm vị trí của chúng nhờ vào phương pháp dò tìm phương hướng. Kỹ thuật này cho phép người dò sóng vô tuyến xác định tín hiệu truyền tới đâu bằng cách so sánh những dải sóng mà ăng ten thu được ở những địa điểm khác nhau.
"Chúng rất ít khi ngoi lên mặt nước vì thế vào lúc đó tất cả mọi người như đều nín thở", bà Davies nói.
Theo Davies, đó là thời khắc căng thẳng nhất bà từng trải qua bởi bà biết rõ tàu ngầm U-boat có thể đã ngắm bắn và chuẩn bị khai hỏa tiêu diệt đội tàu phe mình bất cứ lúc nào. Tình thế vô cùng cấp bách khiến bà cảm nhận rõ ràng tầm quan trọng của công việc đang thực hiện.
Trạm nghe lén cũng lần theo cả những đoạn đối thoại không mã hóa liên quan đến hoạt động triển khai quân của đối phương và báo về cho quân đội Anh.
"Quân Đức từng điều một tàu phóng ngư lôi đến bờ biển phía đông để tấn công các đoàn tàu của chúng tôi. Khi đó họ sẽ gửi tin nhắn kiểu như 'Có một tàu khu trục Anh tại tọa độ này'. Những thông tin như thế không thể được mã hóa bởi thời gian rất hạn chế. Khi nắm được tin này, chúng tôi không gửi về Bletchley mà chuyển thẳng tới căn cứ hải quân gần nhất", bà Davies miêu tả quy trình.
Vũ Hoàng (theo Tech Republic)