Vận tải cơ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản khởi hành từ sân bay Kabul, thủ đô Afghanistan đến Islamabad, thủ đô Pakistan hôm 27/8 với hành khách duy nhất là một nhà báo Nhật. Chuyến bay trước đó đã chở "một số người", bao gồm quan chức đại sứ quán, đến Islamabad.
Những người chỉ trích cho rằng nỗ lực của Nhật Bản quá yếu so với các quốc gia khác. Mỹ đã sơ tán hàng chục nghìn người trong tuần qua. Anh, Đức, Bỉ và Hà Lan đều khai thác các chuyến bay cứu trợ, thậm chí đại sứ Anh chọn ở lại Kabul để xử lý thêm yêu cầu về thị thực.
Truyền thông Hàn Quốc đã nhấn mạnh "Chiến dịch thần kỳ" của nước này, với nhân viên đại sứ quán, quan chức tổ chức phi chính phủ và gần 400 người Afghanistan nhanh chóng được di tản bằng máy bay quân sự. Seoul cũng đã cấp cho người Afghanistan tình trạng pháp lý tương đương người tị nạn và cho phép họ định cư lâu dài.
Chính phủ Nhật đã bị chỉ trích vì không hành động nhanh chóng hơn khi có thông tin rõ ràng rằng Taliban đang tiến quân vào thủ đô Afghanistan và Mỹ cùng các quốc gia khác sẽ rút quân. Nhật bị cho là chưa làm được nhiều để giải cứu những người Afghanistan đã hỗ trợ Nhật suốt nhiều năm, cùng gia đình họ, hoặc hàng chục nghìn người đang tìm cách rời khỏi quốc gia Nam Á.
Một số nhà quan sát cho rằng Nhật hoãn gửi máy bay sơ tán do cuộc tranh luận ở Tokyo về việc lực lượng phòng vệ nước này có thể làm gì ở nước ngoài theo các điều khoản hiến pháp.
"Đây là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ hoạt động ở một quốc gia khác mà không có sự cho phép rõ ràng của chính phủ quốc gia đó, nên đã có rất nhiều cuộc thảo luận trước khi máy bay được triển khai và về việc họ có thể giúp ai và bằng cách nào", Yuko Ito, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Châu Á, Nhật Bản, cho biết.
Chính phủ Nhật ngày 23/8 thông báo sẽ điều một số vận tải cơ C-130 Hercules tới Afghanistan. Khoảng 330 người Afghanistan từng làm việc tại đại sứ quán hay Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sau đó được di tản bằng máy bay đến nước láng giềng Pakistan.
Một người Afghanistan làm việc cho JICA từ năm 2008 nói với tờ Yomiuri tính mạng của anh đang gặp nguy hiểm. "Chính phủ Nhật Bản không kịp sơ tán tôi", người đàn ông 40 tuổi giấu tên cho biết, thêm rằng hồi đầu năm Taliban đe dọa anh, yêu cầu phải rời khỏi JICA và gia nhập lực lượng này.
Anh đã kêu gọi tổ chức phi chính phủ giúp đỡ do bị lính Taliban theo dõi, sau khi lực lượng này chiếm đóng thủ đô Kabul. "Tôi không thể nghĩ ra cách nào khác để rời khỏi đất nước này", anh nói. "Tôi đang gặp nguy hiểm".
Một người đàn ông khác làm việc trong các dự án phát triển do Nhật Bản tài trợ cũng kêu gọi sự giúp đỡ của Tokyo. Người đàn ông khoảng 30 tuổi nói với Kyodo News rằng anh ta đã giúp vận chuyển thiết bị y tế cho các bệnh viện và thiết bị an ninh cho các sân bay trên khắp đất nước kể từ năm 2004.
Tên của anh nằm trong danh sách sơ tán của chính phủ Nhật, nhưng Bộ Ngoại giao Nhật cho biết họ sẽ không cho phép anh rời đi cùng vợ và ba con. "Tôi chỉ muốn bảo vệ tính mạng vợ con. Chỉ bấy nhiêu thôi. Không ai từ chính phủ Nhật Bản hướng dẫn tôi", anh nói.
"Thật sốc khi Nhật Bản không làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ người tị nạn, nhưng dẫu sao điều này cũng phù hợp với chính sách của một quốc gia ít tiếp nhận người tị nạn", Ito nhận định. "Nhật luôn rất khó khăn trong vấn đề cho người nước ngoài định cư, thậm chí ngay cả khi thiếu nguồn lao động và thanh niên. Tôi hy vọng tình huống này có thể là bước ngoặt để Nhật Bản nhận ra rằng họ cần phải tiếp nhận những người đang có như cầu khẩn thiết".
Jeff Kingston, trưởng khoa nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple, bang Pennsylvania, Mỹ, cho rằng rõ ràng Nhật đã không chuẩn bị hoặc phối hợp tốt khi cần thiết và nỗ lực của họ chỉ để nhằm biểu hiện đã thực hiện vai trò.
"Tôi rất thất vọng khi Nhật Bản viện dẫn hiến pháp như lý do họ không thể giúp đỡ những người gặp khó khăn", Kingston nói.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản trước đó cho biết họ sẽ không cung cấp thông tin chi tiết, "bao gồm cả những người phải sơ tán", vì hoạt động đang được tiến hành.
Huyền Lê (Theo SCMP)