Nhóm ưu tiên ban đầu là 10.000 đến 20.000 nhân viên y tế, kế đến là người cao tuổi, cuối cùng mới đến các đối tượng khác. Ngày 15/2, Thủ tướng Yoshihide cho biết ông muốn các quan chức nỗ lực tối đa để thực hiện chương trình tiêm chủng một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Nhật Bản đã phê duyệt vaccine do công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ sản xuất, vào ngày 13/2. Tuy nhiên, nhiều người dân Nhật Bản, bao gồm cả nhân viên y tế, vẫn còn do dự tiêm phòng. Họ quan ngại về tính hiệu quả và độ an toàn của sản phẩm.
Các nhà chức trách đang chuẩn bị cho một chiến dịch truyền thông lớn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vaccine. Từ ngày 17/2, Chính phủ sẽ thông báo đầy đủ đến công chúng về việc tiêm chủng, như cung cấp các thông tin tiêm phòng nCoV một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dựa trên bằng chứng khoa học rõ ràng. Đồng thời, hiệu quả và tác dụng phụ của chúng đều được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lãnh đạo Nhật Bản tin rằng thực hiện suôn sẻ chiến dịch tiêm chủng là điều cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus cũng như đảm bảo nền kinh tế phát triển. Hiện tại, thủ đô Tokyo vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp, cùng tỉnh Osaka và 8 tỉnh khác. Các quan chức chính phủ cho biết tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu chậm lại. Đến nay, toàn nước Nhật đã có gần 420.000 ca nhiễm và hơn 7.000 trường hợp tử vong do Covid-19.
Chính phủ Nhật Bản yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế các cuộc đi chơi không cần thiết cũng như làm việc tại nhà để cắt giảm 70% hoạt động di chuyển.
Mạnh Kha (Theo NHK)