"Các biện pháp đặc biệt mà chính phủ đang thực hiện để đối phó với nCoV sẽ kết thúc vào ngày 7/5", Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Katsunobu Kato cho biết hôm 27/4.
Tại Nhật Bản, Covid-19 hiện được xếp vào nhóm tương đương hoặc nghiêm trọng hơn loại 2, tương tự như bệnh lao hoặc SARS.
Với quyết định trên, chính phủ sẽ phân loại lại Covid-19 vào nhóm 5, cùng với cúm mùa. Điều này có nghĩa tình trạng khẩn cấp sẽ không còn được ban hành khi bệnh bùng phát trở lại. Chính phủ cũng sẽ không còn chi trả cho người dân các chi phí liên quan đến Covid-19, gồm chăm sóc ngoại trú và nhập viện.
Động thái này nhằm thúc đẩy du lịch trong và ngoài nước. Các chuyên gia dự đoán du khách rời Nhật Bản trong Tuần Lễ Vàng (bắt đầu vào ngày 29/4) và trở lại sau kỳ nghỉ lễ.
Theo yêu cầu hiện tại, tất cả người nhập cảnh vào quốc gia này phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm ít nhất ba mũi vaccine hoặc cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ sau khi khởi hành.
Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Hội đồng Bộ Y tế đã bật đèn xanh cho kế hoạch phân loại lại Covid-19 dựa trên tình hình thực tế và sức chống chịu của hệ thống y tế trong trường hợp virus quay trở lại.
Theo báo cáo, khoảng 8.400 cơ sở y tế, gồm 90% bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc đã sẵn sàng tiếp nhận tới 88.000 bệnh nhân. Khoảng 44.000 cơ sở sẽ nhận người bệnh ngoại trú, tăng từ 42.000 trước đó.
Một số chuyên gia bệnh truyền nhiễm tỏ ra thận trọng với quyết định mới. Họ cho rằng virus có khả năng cao sẽ quay trở lại, nhấn mạnh người già và những người nguy cơ cao cần tiếp tục đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân.
"Rủi ro vẫn tồn tại nếu mọi người bắt đầu đi lại nhiều như trước đại dịch", Tetsuya Matsumoto, giáo sư về bệnh truyền nhiễm Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế, cho biết.
Đầu tháng này, một nhóm chuyên gia trong ban cố vấn của Bộ Y tế cũng cảnh báo Nhật Bản có thể đối mặt với làn sóng thứ 9 của đại dịch, thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước đây. Bộ Y tế lưu ý biến chủng phụ của Omicron là XBB.1.5 đã gia tăng trong cộng đồng.
Tương tự, Mỹ quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp vì Covid trong tháng 5, các chi phí điều trị, tiêm vaccine, xét nghiệm sẽ được chuyển sang bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ, thay vì miễn phí như giai đoạn trước.
Trong cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/4, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng nhận định thế giới đang bước khỏi giai đoạn khẩn cấp Covid. Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc sẽ xuất bản hướng dẫn cho các quốc gia về cách chuyển từ ứng phó Covid-19 khẩn cấp sang giai đoạn quản lý lâu dài vào tuần tới.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) là cơ chế quốc tế thống nhất để kích hoạt phản ứng đối với các loại bệnh truyền nhiễm. Sau khi ông Tedros tuyên bố Covid-19 là đại dịch vào tháng 1/2020, nhiều nước mới nhận thức được mối nguy hiểm từ căn bệnh này. Sau đó, hầu hết quốc gia tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đối với Covid, mục tiêu đẩy nhanh những nghiên cứu, tăng khoản viện trợ cho các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn dịch bệnh.
Thục Linh (Theo Nikkei)