Quyết định công bố ngày 10/4, khép lại việc tài trợ tốn kém cho các xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine miễn phí, và các biện pháp khẩn cấp khác được ban hành từ tháng 1/2020.
Theo Nhà Trắng, dù Mỹ chấm dứt đại dịch, chính quyền Biden vẫn tiếp tục nghiên cứu vaccine thế hệ tiếp theo và các biện pháp chống lại biến chủng nCoV trong tương lai.
"Dự án NextGen sẽ đẩy nhanh và hợp lý hóa sự phát triển nhanh chóng của thế hệ vaccine cũng như phương pháp điều trị mới thông qua hợp tác công tư", một quan chức cấp cao của chính quyền, cho biết. Người này cũng tiết lộ Mỹ đã thành lập một quỹ trị giá ít nhất 5 tỷ USD giúp thúc đẩy tiến bộ khoa học và đi trước loại virus gây ra đại dịch.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia và khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHE) được cựu Tổng thống Donald Trump ban hành vào năm 2020. Sau khi nhậm chức, ông Biden nhiều lần gia hạn các biện pháp cho phép người Mỹ xét nghiệm, tiêm vaccine và điều trị miễn phí. Khi tình trạng khẩn cấp chấm dứt, các chi phí này sẽ được chuyển sang bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết sẽ họp trong tháng 5 để bàn chi tiết về việc gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp Covid-19 trong năm 2023.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc lần đầu tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 30/1/2020. Đây là mức cảnh báo cao nhất đối với một loại dịch bệnh. Mục tiêu là đẩy nhanh những nghiên cứu, tăng khoản viện trợ các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn dịch bệnh.
Việt Nam hiện vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp do Covid-19, chưa xem là bệnh thông thường.
Thục Linh (Theo CNN, AFP)