Ngọc An, 24 tuổi, đang làm công việc văn phòng tại Bình Dương, cho biết trước đó chưa từng sốt cao, ốm vặt. Khi mắc Covid-19 hai lần, cô chỉ ho, sốt bình thường, triệu chứng rất nhẹ.
Vì vậy, An cho rằng cơ thể luôn khỏe, không cần phòng bệnh. Tuy nhiên, sau chuyến team building, An sốt cao, cả người nhức mỏi. Thuốc hạ sốt ít hiệu quả, sau đó An cảm thấy ớn lạnh, chóng mặt, buồn nôn, khó thở. Bác sĩ chẩn đoán cô mắc cúm A, viêm phổi cấp do cúm, chỉ định nhập viện. Một tháng sau, An tiêm vaccine cúm theo lời bác sĩ tư vấn, để phòng bệnh cho phổi.
"Tôi cảm giác không khí cứ mắc kẹt ở lồng ngực, cả người mệt lả. Khi đó, bác sĩ nói tiêm vaccine cúm thì sẽ tránh tái diễn tình trạng đó, nên tôi tiêm. Kể từ đó đến nay, tôi chưa bị cúm, hay mắc bệnh cảm, sốt", An nói.
Anh Huỳnh Văn Hoàng (27 tuổi, nhân viên công ty cơ khí, TP HCM), cho biết có bệnh viêm xoang, chỉ cần đồng nghiệp hắt hơi, anh cũng có thể mắc cúm. Vào thời điểm giao mùa, bệnh sẽ nghiêm trọng hơn, khiến anh bị sốt về đêm, kèm theo viêm họng và húng hắng ho nhiều ngày sau. Hiệu quả công việc giảm sút khiến Hoàng cứ gắt gỏng cả tuần.
"Mấy năm nay tài chính dư dả hơn, tôi định kỳ tiêm vaccine cúm. Vaccine cũng tốt, giúp tôi giảm tần suất mắc bệnh, tránh ảnh hưởng người xung quanh", Hoàng nói.
Ghi nhận tại hơn 122 Trung tâm thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC trên toàn quốc trong 3 tháng gần đây, tỷ lệ người thuộc nhóm đối tượng công nhân viên văn phòng đến tiêm vaccine bảo vệ sức khỏe tăng khoảng 20% so với các tháng đầu năm. Trong đó, các loại vaccine cúm, phế cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván... được nhiều người lựa chọn.
BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nhân viên văn phòng, công nhân thường phải làm việc trong một không gian chung. Không gian này đông người, khép kín, nhiệt độ thấp, sử dụng máy lạnh, do đó dễ lây nhiễm chéo khi có người mang mầm bệnh.
Một nghiên cứu xuất bản năm 2019 trên ScienceDirect, chủ đề Tác động vệ sinh đối với sự lây lan của virus trong tòa nhà văn phòng, đã chứng minh không gian văn phòng công cộng khiến mầm bệnh lây lan nhanh chóng. Virus có thể lây thông qua dùng chung máy photocopy, nhà bếp, phòng vệ sinh, bàn phím máy tính và bàn làm việc.
Nghiên cứu cũng trích dẫn kết quả thí nghiệm trên 230 nhân viên văn phòng trưởng thành, cho thấy những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm trùng hô hấp, có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 lần. Hậu quả là những người này sẽ giảm thời gian làm việc và năng suất.
Do đó, bác sĩ Chính nhận định người làm trong công sở, văn phòng, công nhân nên chủ động tiêm vaccine bảo vệ sức khỏe. Các loại vaccine được khuyến cáo gồm cúm, phế cầu, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, bạch hầu - ho gà - uốn ván. Đây là các bệnh thường gặp, khả năng lây nhiễm cao, dễ biến chứng ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Ví dụ phế cầu khuẩn thường trú ở vùng hầu họng, tấn công khi miễn dịch suy giảm gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết... Quai bị lây trực tiếp qua đường hô hấp, có thể gây biến chứng viêm buồng trứng ở nữ và viêm tinh hoàn ở nam, dẫn đến nguy cơ vô sinh. Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng có thể gây biến chứng nặng nề ở người lớn.
"Nhóm người này còn là những người lao động chính trong gia đình, khi họ chủ động phòng bệnh thì có thể đảm bảo kinh tế gia đình, bảo vệ sức khỏe người thân", bác sĩ Chính nói.
Mộc Thảo