Thời điểm chuẩn bị kết thúc năm Âm lịch và bắt đầu sang năm mới tất nhiên luôn là một kỳ nghỉ quan trọng nhất của người Việt. Lương tháng 13 và thưởng Tết là câu chuyện thường được mang ra bàn cãi trước khi nghỉ Tết. Tôi xin phép chia sẻ góc nhìn của mình về thưởng Tết và những khía cạnh theo tôi nghĩ nó sẽ có ích cho các bạn độc giả.
Tôi là một người có kinh nghiệm đi làm thuê cho doanh nghiệp FDI hơn 17 năm và 10 năm là chủ doanh nghiệp. Đầu tiên, chúng ta phải hiểu và phân biệt giữa lương tháng 13 và thưởng Tết:
Theo đó, lương tháng thứ 13 là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động theo như thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc vào dịp tổng kết cuối năm khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, nhằm mục đích khuyến khích hoặc hỗ trợ người lao động làm việc và hoàn thành tốt công việc. Bản chất của lương tháng 13 chính là thỏa thuận của doanh nghiệp và người lao động. Chưa có điều luật nào quy định doanh nghiệp buộc phải trả lương tháng 13 cho người lao động.
Còn thưởng Tết được hiểu là khoản tiền mà sau một năm hoạt động, doanh nghiệp làm ăn có lời và trích một phần lợi nhuận để khuyến khích nhân viên. Đây là một trong những chính sách mà doanh nghiệp có quyền chi thưởng hoặc không, tùy vào tình hình hoạt động của chính doanh nghiệp đó trong năm. Nó được xem như là một chính sách tích cực từ phía các nhà lãnh đạo.
Trên tất cả, hai chính sách này chính là một chìa khóa, một lợi thế nhằm giữ chân người lao động, tạo điểm mạnh ưu thế để cạnh tranh nhân sự với các công ty khác. Chính vì vậy, việc một doanh nghiệp bỏ đi một trong hai, hoặc cả hai chính sách thưởng này xem như là tự chôn vùi đi cơ hội có được những nhân sự tốt và có đóng góp tích cực.
>> 'Tôi làm giáo viên, không mong thưởng Tết'
Vậy lương tháng 13 và thưởng Tết bao nhiêu là đủ? Khi đưa ra các chính sách, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phân ra các phân khúc người lao động nhằm đưa ra các chính sách khác nhau và không bao giờ gộp chung lại. Trong một doanh nghiệp sẽ phân ra ba phân khúc lao động như sau:
Công nhân (người trực tiếp tạo ra sản phẩm): Đây là nhóm lao động có số lượng chiếm đa số. Thông thường, tôi thấy hầu hết ở các doanh nghiệp Việt Nam đều thưởng lương tháng 13 cho nhóm này bằng một tháng lương trung bình.
Khối văn phòng (người quản lý hành chính): Lương tháng 13 của nhóm này thường dao động từ 1-3 tháng lương trung bình.
Các vị trí cấp cao (người lãnh đạo): Đây là nhóm thiểu số trong doanh nghiệp. Nhóm này thường sẽ không có mẫu số chung và tùy vào năng lực và khả năng của người đó mà đôi khi có thể thưởng cực kỳ cao từ 6 tháng lương đến một năm lương. Trước đây, tôi cũng đã từng biết tới một vị lãnh đạo cấp cao của một công ty FDI được thưởng hai năm lương vì kết quả hoạt động năm đó cực kỳ xuất sắc.
Câu hỏi đặt ra là điều tích cực mà lương tháng 13 và thưởng Tết mang lại là gì? Đầu tiên, đối với phân khúc công nhân, là nhóm có thu nhập trung bình thấp nhất, việc được thưởng sẽ giúp cho họ có thêm một khoản tiền để trang trải các chi phí sinh hoạt hằng ngày, giúp cho họ ổn định cuộc sống và tiếp tục công việc lâu dài.
Dựa trên góc nhìn kinh tế, Tết là khoảng thời gian con người nghỉ ngơi và tạm dừng các hoạt động sản xuất. Nhưng đây cũng là thời điểm các ngành dịch vụ du lịch, ăn uống, các công ty thực phẩm làm ăn. Nếu không có lương tháng 13 và khoản thưởng Tết thì liệu người lao động có đủ tiền để tiêu xài hay không? Chưa kể, việc các công ty du lịch, dịch vụ ăn nên làm ra sẽ là tiền đề để họ tiếp tục những đơn hàng sản xuất, xây dựng, sử dụng dịch vụ quản lý, góp phần giúp cho các công ty sản xuất ngưng hoạt động trong Tết có đơn hàng sau kỳ nghỉ.
Đối với phân khúc các lãnh đạo cấp cao, việc thưởng lương tháng 13 và Tết càng cao sẽ càng góp phần khẳng định địa vị của họ, không chỉ trong doanh nghiệp mà còn trong xã hội. Đây là nhóm người có tư duy, tham vọng lớn, nên việc nhận được mức thưởng cao sẽ là một trong những thứ khẳng định tầm ảnh hưởng của họ. Chính vì vậy, có những nhân sự mà doanh nghiệp không tiếc tiền để mang họ về, sẵn sàng dùng những chính sách lương khác biệt so với phần còn lại.
Vậy điều tiêu cực mà lương, thưởng Tết mang lại là gì? Đầu tiên, các doanh nghiệp có năm hoạt động không tốt sẽ phải xoay xở để trả lương tháng 13 như đã ký với người lao động. Điều đó vô tình đã tạo một áp lực không hề nhỏ tới các vị trí cấp cao, buộc họ phải vay ngân hàng, cầm cố tài sản và đôi khi phải dời thanh toán các khoản phải trả cho các nhà cung cấp. Hệ quả là sự quay vòng vốn chậm của cả một dây chuyền.
Chính vì gặp khó khăn nên một số doanh nghiệp quyết định không thưởng hoặc thưởng rất thấp cho người lao động. Hành động này vô tình khiến một số nhân sự cảm thấy không hài lòng, quyết định nhảy việc, tạo ra một khoảng trống nhân sự trong doanh nghiệp, khiến việc kinh doanh bị ảnh hưởng, đình trệ, trì trệ và nặng hơn là một số nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, thậm chí phá sản.
Việc có lương tháng 13 và thưởng Tết cũng ít nhiều khiến cho người lao động có tâm thế chủ quan về việc tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Kích cầu, sử dụng sản phẩm dịch vụ là tốt, nhưng nó phải nằm trong sự tính toán kỹ lưỡng. Việc tiêu xài dẫn tới phải vay nợ, thâm hụt tài chính khiến cho bản thân mỗi người rơi vào trạng thái mệt mỏi nên họ còn tâm trí đâu mà làm việc, đóng góp giá trị của mình cho xã hội?
Là chủ doanh nghiệp, tôi cho rằng, cho dù là một nhân sự có kinh nghiệm nhưng khi vào làm việc tại môi trường mới thì để hòa hợp và làm tốt chí ít cũng phải mất 3-6 tháng tìm hiểu, cảm nhận và thích nghi văn hóa ở môi trường mới. Chính vì vậy doanh nghiệp yêu cầu rất rõ ràng về quy đinh thưởng lương 13 nhằm giữ chân nhân sự vì bản thân doanh nghiệp tuyển dụng cũng cần tốn chi phí để tìm kiếm đào tạo và chưa kể cả chi phí cơ hội. Tất nhiên bản thân người lao động và doanh nghiệp trước khi ngồi lại với nhau phải thông qua hợp đồng lao động và khi anh đã đồng ý ký là không được hối tiếc.
Có người nói rằng "doanh nghiệp thưởng Tết thực ra là có lợi cho họ vì suy cho cùng thì họ đang giảm tiền công để đến cuối năm mới trả cho người lao động thông qua danh nghĩa 'thưởng'. Ngoài ra, đến cuối năm mới tổng kết doanh thu, lợi nhuận thì mới biết thực lãi bao nhiêu rồi mới ngồi xuống chia miếng bánh ấy, và dĩ nhiên, chủ doanh nghiệp phần nhiều nhất". Tôi cho rằng, đây là điều mà chính bản thân người lao động trước khi vào làm cũng cần phải tìm hiểu.
Bản thân người chủ khi mở một công ty, cái họ quan tâm nhất vẫn là lợi nhuận. Chung quy lại, để tạo sự cạnh tranh nhân sự giữa các doanh nghiệp thì các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn sử dụng lương tháng 13, thưởng Tết và họ sẽ không bao giờ từ bỏ chính sách này. Còn về chính sách như nào sẽ phụ thuộc tầm vóc và sự quan trọng của mỗi người lao động.
Còn về phía người lao động, đi làm là cho chính mình. Chính vì vậy, mỗi người cần có sự thu thập thông tin, tìm hiểu, so sánh và cân, đo, đong, đếm trước khi ký vào hợp đồng lao động. Chính bản thân mình còn hời hợt với lương, thưởng của mình thì sẽ không ai đứng ra bảo vệ và lấy lại sự công bằng cho bạn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.